Hello, cám ơn bạn đã đọc ✨ bản tin miễn phí ✨ mỗi hai tuần một lần của Tự Học Marketing Cùng Mình. Mình chia sẻ về digital marketing, ecommerce, career tips, và các trải nghiệm trong cuộc sống ở Úc mỗi tuần. Subscribe để truy cập toàn bộ những nội dung trên newsletter nhé. ☘️
“Mình đang tìm hiểu về freelance nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, bạn có gợi ý gì cho mình không?” Mình đã nghĩ nhiều về câu hỏi này, tự nghĩ mình cũng đã từng hỏi bản thân như vậy khi mình bắt đầu bước vào freelance vào tháng 11 năm 2019.
Thế nên, mình quyết định sẽ chia sẻ với bạn trải nghiệm của chính bản thân mình, cũng như vài lời khuyên cho các bạn mới bắt đầu (cuối bài nhé). Mình viết với sự chân thành và thẳng thắn (no BS) để giúp bạn có được cái nhìn thực chất và đặt mindset đúng khi vào nghề. Bài khá dài, hy vọng sẽ không làm mọi người nản chí khi đọc.
Nếu bài viết mình dùng tiếng Anh lẫn lộn thì xin lỗi các bạn nhé. Tại mình viết tiếng Anh quen nên nó tự nhiên cứ như vậy.
Mình bắt đầu bước vào freelance gần như với kinh nghiệm bằng không. Hồi đó, mình cũng không có bất cứ bạn bè hay biết bất cứ ai đã làm content freelance để mà liên hệ, hỏi han. Mình cũng không biết đến các nhóm freelance Việt. Thị trường mình nhắm đến là nước ngoài và ngôn ngữ viết là tiếng Anh nên càng khó hơn cho mình nữa. Thế nên, bạn có thể thấy mình tự bơi thực sự.
Mình đã chập chững “tự bơi vào nghề” ra sao?
Mình bắt đầu dồn tâm huyết cho freelance từ khoảng tháng 11 năm 2019, và mãi đến tháng 2 năm 2020 mới có khách hàng nước ngoài đầu tiên. Vậy trong chừng 3 tháng giữa hai mốc này mình đã làm gì?
Việc đầu tiên mình làm khi đặt mục tiêu freelance cho bản thân đó là ngày nào cũng google bất cứ câu hỏi nào mình không biết câu trả lời:
How to make money with freelance writing
How to become a freelance writer
How to find freelance clients
Freelance writing success stories
Freelance writing blog
Freelance writers who make money
What to write to get paid
….
Đây là những câu hỏi đầu tiên mình tìm hiểu. Google cho kết quả nào mình đọc cái đó, take note từng ý tưởng một, gặp chỗ nào hay thuật ngữ lạ chưa hiểu mình note lại và rồi sau đó, google tiếp:
Portfolio
Cold pitching
Cold email
Assignments
Brief
Byline
Style guide
Copywriting
Niche
….
Mới đầu sẽ bị ngập thông tin, nhưng mình kiên trì take note, tìm hiểu từng chút một. Từng bước từng bước, những cái khó, cái phức tạp trở nên dễ hiểu hơn. Mình bắt đầu mường tượng được freelance writing là như thế nào. Một freelance writer sẽ cần làm những gì, yêu cầu của một bài viết là gì,…
Quá trình này mất nhiều thời gian lắm. Bạn phải tưởng tượng với thế giới freelance nước ngoài mình như tờ giấy trắng, và qua research, mình bắt đầu lấp đầy thế giới trống này bằng các hạt bụi. Theo thời gian, hạt bụi tích tụ dần dần thành các dấu chấm nhỏ to… Mất thời gian nhưng cực kỳ giá trị.
Một trong những nguồn thông tin quý báu cho mình đó chính là đọc kinh nghiệm làm freelance của những người khác. Mình cứ search trên google các success stories, hay gõ “blogger, freelance writer, hire me”, nó sẽ dẫn mình đến blog của những người làm freelancer. Rồi mình vào trang blog của họ, trang About Us để đọc câu chuyện của họ. Mình khám phá được vô cùng nhiều những thứ hay ho:
Cách họ xây dựng website, menu gồm những mục gì, họ dùng từ gì, viết cái gì, show cái gì ra trên website…
Những nguồn tài nguyên giúp họ bắt đầu freelance, cộng đồng, group, khoá học nào họ dùng…
Họ viết cho khách hàng nào, công ty nào, mình cũng ghi chú lại và search xem thử các công ty đó có đang tuyển freelance không…
Mình tìm hiểu được cách họ tìm khách hàng, nào là network, Upwork, LinkedIn, các hội thảo cho writer, email…
Chính quá trình này đã đưa mình đến với các group Facebook cho freelance writer trên Facebook.
Khi mình join được các group này, điều mình làm đầu tiên đó là ngày ngày đọc các post trên group đó, xem họ hỏi gì. Mình cũng khai thác công cụ “search”, mình cứ gõ những gì mình muốn biết: “template, “find client”, “pricing”, “content marketing, “ebook”, “portfolio”…
Học được gì ghi chép lại, tự xây dựng hệ thống cho bản thân với các mục:
Cách xây dựng portfolio
Kỹ năng viết content
Cách tìm khách hàng
Cách viết email
Cách follow up với khách hàng
Cách đàm phán
Cách video call với khách hàng
Cách trả lời khi khách hàng đưa phí thấp
Cách từ chối
….
Sau đó, bắt đầu thử nghiệm. Gặp khó chỗ nào thì lại google hoặc đăng câu hỏi trên các group mình đã tham gia. Cứ thử, sai chỗ nào sửa chỗ đó. Rồi mình lớn dần, trưởng thành dần trong nghề từ lúc nào không biết.
Đây 100% là quá trình đã giúp mình bước vào nghề freelance. Không có lối tắt nào. Chỉ có sự kiên trì, cố gắng, miệt mài theo đuổi, yêu thích, càng tìm hiểu càng hăng và dấn thân.
Lời khuyên của mình dành cho các bạn muốn bắt đầu làm freelance
1. Do your homework, seriously!
Internet bây giờ đầy rẫy thông tin về freelance. Các freelancer họ cũng rất hào phóng chia sẻ câu chuyện của họ, cách họ bắt đầu ra sao. Thế giới bây giờ cực kỳ “mở” lắm rồi. Chưa kể, các group freelance như AFD có vô vàn các tip rồi post về freelance. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta có dành thời gian để tìm hiểu hay không mà thôi.
Đừng đọc một câu chuyện thành công nào đó, nghĩ mình có thể dấn thân và ngay lập tức đăng một câu hỏi là nên bắt đầu ra sao. Thay vào đó, do your homework trước. Đọc, ghi chép, tự lấp đầy lỗ trống thông tin cho bản thân. Đến lúc mà gặp cái gì khó quá, không tìm ra được câu trả lời hay bị confused thì hãy hỏi.
Vì sao mình nói như vậy? Bởi vì nếu bạn chỉ hỏi chung chung thì bạn cũng sẽ nhận được câu trả lời chung chung mà thôi, chưa kể các thông tin chung này đã được chia sẻ rất nhiều rồi. Save your time, and save others’ time.
Khi bạn dành thời gian làm homework thì bản thân bạn sẽ rèn luyện được sự chủ động, kỹ năng tìm kiếm thông tin, research, kiên trì… Tất cả những kỹ năng này đều là cốt lõi để đi được freelance lâu dài.
2. Xác định ngách không phải lúc nào cũng là câu trả lời bắt đầu cho tất cả các freelancer
Nếu bạn đã xác định được ngách, được đam mê, được chủ đề yêu thích của bản thân, vậy là rất tuyệt vời, good on you! Bạn sẽ dễ dàng hơn để bắt đầu.
Nếu chưa nhưng bạn có thể khoanh vùng được những mảng bạn quan tâm, tốt! Thử dành thời gian ngồi lại rồi tìm hiểu xem bạn muốn viết gì. Có lẽ bạn sẽ tìm ra được ngách cho bản thân.
Nếu đầu bạn đang rối rắm, messy, mãi không thể tìm ra mình nên bắt đầu ra sao thì hãy quên đi việc ngách. Đừng nghĩ quá nhiều, cứ thử sức với bất cứ cơ hội viết nào bạn có được.
Vì sao mình nói như vậy?
Mình đọc rất nhiều câu chuyện thành công của các freelancer, mình cũng join nhóm của các freelancer quốc tế, và hiện đang có connect với nhiều trong số họ. Mình biết việc xác định ngách từ đầu không phải là framework thành công cho mọi writer. Có những người bắt đầu bằng cách thử sức nhiều chủ đề rồi dần dần khi viết nhiều, họ bắt đầu tìm ra cái mà họ hứng thú nhất.
Con đường của một người có thể đi thẳng specialist, nhưng một người khác cũng có thể là generalist > specialist. Hoặc cũng có người sẽ ở mãi với generalist vì nó hợp với họ.
Với tình hình thị trường, nền kinh tế, và số lượng người làm freelance càng gia tăng, chỉ là generalist hoặc giỏi cả generalist lẫn specialist có thể là lợi thế cạnh tranh cho bạn. Bạn sẽ dễ thích nghi, linh hoạt trong các chủ đề viết, làm việc với khách hàng từ nhiều lĩnh vực. Khi ngách bạn chuyên ít bài viết, bạn có thể nhận bài viết từ khách hàng trong lĩnh vực bạn không chuyên nhưng có thể viết.
Khi bạn chưa biết mình làm gì, thích gì thì việc cố tìm ra một cái thích nhất để bắt đầu liệu có chính xác 100%? Làm sao bạn biết được, trừ khi bạn đã làm nhiều thứ? Để tìm ra được North Star của bản thân cần nhiều hơn chỉ là tài năng bẩm sinh, sự đam mê bẩm sinh, nó còn đòi hỏi cả trải nghiệm thực tế nữa. Có người dễ dàng tìm ra cái họ quan tâm, có người sử dụng technique này hay kỹ thuật kia là tìm được, nhưng cũng sẽ có rất nhiều người không có một kỹ thuật nào work với họ cả. Chỉ có làm, làm thì họ mới tìm ra nó.
There is no one-size-fits-all approach. So don’t stress yourself out.
3. Cứ thử đi, đừng question quá nhiều
Mình để ý khi Thiên Ý đặt một câu hỏi, trọng tâm trong câu trả lời của chị Hoàng Thu luôn là thử. Mình hoàn toàn đồng ý luôn, cứ thử đi, cứ làm đi, làm từng bước nhỏ trước đi, đừng hỏi nhiều. Đừng đặt quá nhiều câu hỏi.
Càng đặt nhiều câu hỏi bạn sẽ càng cảm thấy mông lung và rồi bạn sẽ đi đến sự trì hoãn đấy. Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân. Chưa bước đi bước nào mà cứ ở mãi vạch xuất phát băn khoăn “nếu em bước xong bước đầu tiên thì bước thứ hai ra sao? Bước thứ 3 có gặp trở ngại gì không? Làm thế nào để bước tới thứ 4?…” thì làm sao mà nhìn thấy ánh sáng phía trước. Stop. Nhấc chân lên và đặt bước chân đầu tiên đi.
Do your homework và thử nghiệm. Đọc thấy người ta nói cần phải có LinkedIn chỉnh chu? Vào check bản thân có LinkedIn chưa, nó đã professional chưa, hay vẫn để avatar trẻ con… Người ta nói cần phải biết cách viết content, vậy xem bản thân đã biết content là gì chưa, đã viết được bài nào hoàn chỉnh chưa, kỹ năng viết ra sao…. Làm một bản review bản thân trước rồi hãy nghĩ lớn.
Không có một lối tắt nào cho nghề freelance. Không có một framework thành công nào cố định. Sẽ có các chỉ dẫn chung, nhưng mỗi người mỗi khác. Do your homework và bắt đầu thử nghiệm. Đồng thời tận dụng các group như AFD, “vứt” bản thân vào các challenge mà group đưa ra, viết thật nhiều để nâng kỹ năng, kết nối với các writer, đọc, ghi chép, làm theo, sửa sai, rồi làm lại, rồi xây dựng hệ thống của riêng bạn. Đấy là cách mà mình tin bạn sẽ bắt đầu và sẽ viết được hành trình freelance của riêng mình.
Chúng ta cùng gắng lên!