Hello, cám ơn bạn đã đọc ✨ bản tin miễn phí ✨ mỗi hai tuần một lần của Tự Học Marketing Cùng Mình. Mình chia sẻ về digital marketing, ecommerce, career tips, và các trải nghiệm trong cuộc sống ở Úc mỗi tuần. Subscribe để truy cập toàn bộ những nội dung trên newsletter nhé. ☘️
Khi mình bước vào nghề freelancer, mình research và đọc rất nhiều. Cái mà mình nhận thấy rõ nhất ở bất cứ một freelancer thành công nào mình biết đó chính là kỹ năng tự học. Thật là ơn phước lớn khi mình cũng rất thích học và tự học.
Bạn nào đã theo dõi mình từ lâu thì có lẽ biết mình là big fan của tự học và tinh thần học cả đời (lifelong learning). Đa phần những gì mình rèn luyện được đến bây giờ, viết lách, đọc dịch tiếng Anh, nghe, nói tiếng Anh, Technical Writing, Content Writing bằng tiếng Anh, làm freelance, xây dựng bản thân trên LinkedIn, làm ecommerce, digital marketing, hay các sở thích khác của mình như thiết kế ảnh, vẽ… mình đều tự học. Mình xuất thân gia đình nông thôn, không có điều kiện về tài chính nên mình luôn cố gắng tự học hết sức có thể. Nhờ vậy, mình có thể tiết kiệm tiền trong khi vẫn học được nhiều thứ và rèn luyện được bản thân.
Không có thời điểm nào trong lịch sử để rèn luyện sự tự học tốt hơn bây giờ. Gần như ai cũng có một chiếc máy tính rồi smartphone. Wifi, 4G nơi nào cũng có. Chỉ cần mở điện thoại hay máy tính ra là bạn có thể truy cập vào ti tỉ thứ. Cái gì không biết thì gõ Google. Muốn nghe tiếng Anh thì vào YouTube rồi nghe nhạc trên Spotify. Buổi tối hay cuối tuần có thời gian là có thể ngồi xem phim trên Netflix… Sách giấy, sách điện tử, sách nói, máy nghe nhạc, tai nghe có dây, tai nghe không dây, giá sách ở nhà, thư viện công cộng…. ngày xưa làm gì có. Lắm khi mình nghĩ tới các cơ hội được học của thế giới bây giờ mà xuýt xoa và hào hứng. “Không khai thác thì cực kỳ phí.”
Thực tế, tự học không có nghĩa là bạn không cần người hướng dẫn. Bạn tự học mọi lúc, mọi nơi thông qua bất cứ phương tiện nào có sẵn. Sách vở, video, audio, hội nghị, bạn bè, đồng nghiệp, các trải nghiệm… đều là “thầy” của bạn.
Tại sao nên rèn luyện tinh thần và khả năng tự học?
Tự học giải phóng bạn khỏi công việc mà bạn không yêu thích, khỏi lớp học mà bạn không có hứng thú để học, và nó kỹ năng cốt lõi của thế kỷ 22 và những thế kỷ tới. Khả năng phản ứng trước những thay đổi của bạn trong công việc và cuộc sống được thể hiện qua bạn tự học tốt tới mức nào và bạn tận dụng những thứ có sẵn để tăng trưởng bản thân tốt ra sao.
Cuộc sống, công việc của những người có tinh thần tự học, biết cách tự học, có kỹ năng tự học luôn tràn ngập những điều thú vị. Họ không bao giờ cảm thấy hết việc để làm, hết thứ để học. Họ hiếm khi nản lòng, lười biếng, nhàm chán, mất động lực, và kể cả có, họ cũng dễ dàng lấy lại tinh thần bởi vì họ kiểm soát được mọi thứ. Họ biết không có việc gì là không thể vượt qua. Họ tìm kiếm, mày mò giải pháp này đến giải pháp khác. Họ đầy năng lượng, ham học hỏi, tò mò, và không bao giờ ngừng học. Cho dù họ có bước sang tuổi 50 thì tinh thần tự học ấy vẫn còn như trước, thậm chí còn nồng nhiệt hơn, bởi vì họ đã thấm nhuần chân lý rằng, “tri thức là sức mạnh.”
Không có tinh thần tự học, bạn luôn cảm thấy một sự phụ thuộc. Bạn cần phải có người thúc giục, theo dõi, hướng dẫn, tạo áp lực thì bạn mới học được. Nếu không có họ, bạn cảm thấy như bạn chẳng còn tí nhiệt huyết nào để tiếp tục nữa. Không có tinh thần tự học, bạn bế tắc trong nhiều thứ vì bạn thấy rằng mình không thể học được bất kỳ điều gì. Bạn luôn tìm ra một “excuse” nào đó để lý giải cho hoàn cảnh của mình. “Già rồi, không học được nữa, không nhớ nổi,” “Già rồi, không còn trẻ như các em”, “Em phải đi học trung tâm thì mới học được,” “Em sợ mình không học được,” “Em không biết mình thích gì,” “Em không biết mình bắt đầu từ đâu?”… Vấn đề cốt lõi, sâu xa của tất cả những điều này đó chính là sự tự học.
Tự học giúp bạn khi kết thúc việc học ở trường hay các khoá học có thể tự chủ động kiểm soát việc học của bản thân. Bạn biết cách lĩnh hội, áp dụng những gì đã được giảng dạy vào cuộc sống, công việc của bạn và giữ vững tinh thần học hỏi. Bạn không bị chao đảo hay lo lắng “kết thúc khoá rồi không biết nên làm gì nữa?”.
Tự học sẽ giúp bạn sau này dù có bận rộn đến đâu, dù có ngoài 40, dù có ở nông thôn hay thành phố, bạn vẫn luôn biết cách để mở rộng kiến thức của mình. Tự học là nền tảng để bạn làm chủ đường đi của mình. Tự học làm bạn trở nên bận rộn một cách đầy ý nghĩa.
Mình rất thích tự học, và càng tự học mình càng thích học. Tự học làm cho mình luôn cảm thấy thế giới này có biết bao nhiêu điều thú vị và mình không thể dừng khám phá. Tự học giúp mình dù có sắp bước sang tuổi 32, đã lập gia đình với bao nhiêu những lo toan nhưng mình vẫn giữ được động lực học tập. Mình không phải sinh ra đã có tinh thần tự học, nhưng mình đã rèn luyện và mình tin chắc bạn cũng có thể rèn luyện.
Nhiều khi mình nghĩ những bạn ở vùng sâu vùng xa hay hoàn cảnh khó khăn mà không có laptop hay smartphone, họ quả là thiệt thòi hơn mình rất nhiều. Thế nhưng, thế giới vẫn chứng kiến các câu chuyện về những người trong hoàn cảnh khó khăn vậy vẫn có thể vươn lên và vượt qua thử thách để thoả mãn ước mơ học hỏi của họ. Vậy tại sao khi bản thân chúng ta được sinh ra với cơ thể lành lặn, có mọi thứ trong tay lại không thể học hỏi như vậy đúng không?
Thực sự là thấy rất biết ơn những điều này và càng cảm thấy bản thân phải cố gắng để không bỏ phí những gì mình đang có. Chỉ cần chúng ta muốn học, quyết tâm học và kiên trì với việc học mỗi ngày thì mưa dầm sẽ thấm lâu, kiến tha lâu cũng có ngày đầy tổ.
Tận dụng tất cả những gì bạn đang có và vươn lên từ đó. Đó là con đường chắc chắn nhất để xây dựng nền móng và tương lai cho bản thân. Bạn chắc chắn sẽ học hỏi được nhiều điều.
Bây giờ, mình sẽ chia sẻ với bạn một số cách mà mình thường sử dụng để duy trì tinh thần tự học của mình nhé. Hy vọng sẽ có ích cho bạn:
1. Hiểu rõ tại sao bạn muốn tự học?
Thật khó để tự học khi mà bạn chẳng hiểu mình học để làm gì và không có động lực để học. Mình luôn nhắc nhở bản thân về việc tại sao mình muốn học. Đó là bởi vì mình thấy thế giới này có quá nhiều kiến thức tuyệt vời, mình khao khát được biết đến chúng, được hiểu về chúng. Mình muốn học để biết thêm thật nhiều, để phát triển bản thân, và để chia sẻ với người khác. Mình không bao giờ nghĩ mình sẽ ngừng học.
Bạn phải làm rõ lý do của mình, khiến nó trở nên thật mạnh mẽ để mỗi lần nghĩ đến là trong người bạn lại có một nguồn năng lượng trào dâng, khiến bạn yêu sự học vô cùng, khiến bạn cảm thấy thật háo hức, và bạn hạnh phúc vì cảm giác yêu việc học đó. Lý do này là thứ khiến bạn như muốn hét lên “wow”, “that’s amazing!” mỗi lần bạn được tiếp cận với một điều mới lạ hoặc học hỏi được điều gì đó hay ho mà bạn chưa hề biết.
Khi lý do muốn học của bạn cứ lớn dần lên, trong người bạn sẽ có sự thay đổi. Bạn sẽ chủ động tìm kiếm tri thức, thay vì chờ đợi một áp lực từ bên ngoài thúc giục bạn.
2. Thử thật nhiều cách học
Ít nhất 12 năm đèn sách khiến bạn bị ám ảnh bởi học là phải ngồi vào bàn, mở sách, mở vở ra, đọc và cặm cụi viết, phải ghi nhớ, phải học thuộc lòng… Suy nghĩ việc học diễn ra một cách truyền thống này sẽ là rào cản ngăn trở bạn tự học. Đôi khi có thể bạn không nghĩ vậy, nhưng cách bạn trả lời “Chị già rồi không học được nữa?” hay “Em chán học rồi” lại phần nào cho thấy điều đó.
Tự học hoàn toàn khác. Không có sự ép buộc nào cả. Tự học là bạn thích học và học cho chính bạn. Tự học có thể diễn ra một cách chậm rãi hoặc nhanh tùy theo khả năng của bạn. Tự học có thể học từ sách, tivi, báo chí, Internet, học từ người khác; học qua nghe, qua đọc, qua xem hình ảnh, qua xem video, qua vẽ, qua viết; học qua trường lớp, trung tâm, qua thầy cô, cố vấn, người hướng dẫn, qua bạn bè… Tự học diễn ra mọi nơi, mọi lúc.
Mình thích học qua đọc, nghe và viết. Nghe ở đây không phải chỉ là nghe YouTube, podcast, mà là nghe người khác chia sẻ. Mình nhớ lâu hơn khi trực tiếp nghe người khác nói. Thời gian đầu mình không biết điều này nhưng mình đã thử và mình nhận ra như vậy. Nếu bạn chưa biết cách nào phù hợp với bản thân, hãy thử nghiệm tất cả. Nhưng đừng chỉ thực hiện vài lần mà đã khẳng định một phương pháp nào đó không hợp. Bạn phải dành ra vài tháng, hoặc ít nhất nửa năm thì mới có kết quả chính xác được.
3. Học những gì bạn yêu thích
Để tự học thì trước hết, nên học những gì mình yêu thích và sát với công việc, mục tiêu hiện tại trước. Theo cách này, bạn sẽ có động lực để tiếp tục chinh phục sự tự học hơn, dù đôi khi vẫn cảm thấy chán nản. Nếu học thứ gì đó xa vời thì sớm thôi, bạn sẽ muốn dừng lại ngay đấy.
4. Liên tục đặt câu hỏi
Tip này có thể rất cũ rồi nhưng nó luôn mới với những người ít thực hiện và luôn đúng. Khi bạn có nhiều câu hỏi trong đầu, bạn sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu. “Tại sao lại thế này?,” “Tại sao lại thế kia?”… Không còn cách nào khác, bạn buộc phải nhảy ra khỏi giường, bật máy tính lên và tự tìm tòi hoặc tìm một người nào đó giúp đỡ bạn giải đáp thắc mắc.
Nếu bạn dễ dàng thỏa mãn với mọi thứ người khác chỉ cho bạn hoặc chấp nhận một cách hời hợt về điều bạn đã nghe, chỉ vì bạn lười suy nghĩ hay lười đặt câu hỏi thì bạn không thể nào rèn luyện tinh thần tự học được.
5. Kỷ luật học
Khi không có người giám sát, theo dõi dễ làm cho chúng ta “có cơ hội” lơ là, bỏ bê việc học. Tuy nhiên, nếu rèn luyện được kỷ luật thì việc tự học sẽ vô cùng hiệu quả.
Bạn có thể:
Đặt thời gian học mỗi ngày. Chẳng hạn, nếu mới bắt đầu tự học, bạn đặt ra mỗi ngày học 15, 30 phút, 1 tiếng…, tùy theo khả năng của bạn.
Lập sổ theo dõi việc học. Ngày nào hoàn thành sẽ đánh dấu hoặc sử dụng ký hiệu đặc biệt nào đấy để thể hiện nó. Hãy tưởng tượng đến cuối tuần, nhìn vào sổ thấy ngày nào cũng được đánh dấu, chắc chắn bạn sẽ vô cùng sung sướng và có động lực để duy trì học tập vào tuần sau hơn nhiều.
Tham gia nhóm tự học. Nhờ có Facebook nên việc tìm kiếm nhóm tự học không phải là khó. Bạn có thể tìm kiếm cho mình một nhóm phù hợp để kết nối bạn bè, chia sẻ kinh nghiệm tự học, trao đổi tài liệu, thảo luận, lấy động lực tự học và giúp nhau rèn luyện kỷ luật. Chẳng hạn như đến giờ học sẽ nhắn tin cho nhau hay sáng sẽ nháy máy nhau dậy sớm học.
6. Ghi chép những gì học được
Mình rất thích ghi chép. Ghi chép và lặp đi lặp lại thói quen này giúp mình rèn luyện nhiều thứ, không đơn thuần chỉ là ghi nhớ sâu điều đã học. Bạn có thể sắm những cuốn sổ và chiếc bút thật xinh, đặt ngay trên bàn học để mỗi khi học, nếu có điều gì đó thú vị, hữu ích thì ghi chép ngay vào sổ.
7. Chia sẻ với người khác điều bạn học được
Chia sẻ với người khác làm mình càng thêm muốn học. Cảm giác biết thứ gì đó hay ho mà bạn bè chưa biết để rồi nói với họ làm mình yêu việc học biết bao. Không phải để thể hiện rằng mình “biết hơn người” mà sự chia sẻ giúp mình hiểu mình học là có ích cho những người xung quanh, chứ không phải chỉ có lợi cho mình.
Bạn có thấy một ngày bạn làm điều gì đó tốt với người thân, bạn bè, đồng nghiệp hoặc bất cứ ai bạn gặp, bạn cũng cảm thấy ý nghĩa và vui hơn chút chút đúng không? Chia sẻ kiến thức cũng tương tự như vậy. Khi bạn dành cả ngày tìm hiểu một vấn đề và sau đó, bạn nói lại với một người khác và họ thốt lên rằng “Hay quá cậu ơi, cám ơn cậu đã chia sẻ với tớ. Cậu thật ham học hỏi”, mình đảm bảo bạn sẽ muốn học mãi mãi đấy.
8. Khi có hứng thì học ngay
Đây là tip cuối cùng và cực kỳ quan trọng vì cảm hứng học không phải dễ dàng mà đến. Lắm khi mình cũng chẳng có hứng học đâu, kiểu thích relax, chơi nhiều hơn. Nhưng mình nhận ra có những lúc mình thích học lắm. Thế nên mình tìm cách nắm lấy chúng bất cứ khi nào chúng xuất hiện.
Tự nhiên có hứng đọc sách thì phải đọc ngay — Kindle, sách giấy, sách online.. — miễn là đọc. Tự nhiên có hứng học qua YouTube thì vào YouTube search cái mình đang muốn học và học. Tự nhiên có hứng viết là chạy ngay đến bàn, ngồi vào bàn và viết. Tự nhiên có hứng nghe tiếng Anh là mở ngay podcast để nghe… Hành động ngay để cảm hứng học không vụt mất.
Đây là 8 tip giúp mình rèn luyện và giữ vững tinh thần tự học mỗi ngày. Nghe có vẻ đơn giản nhưng chúng là chìa khóa giúp mình luôn hào hứng học hỏi, tìm tòi. Nó cũng chính là kim chỉ nam để mình gây dựng và phát triển nghề freelance, tiến vào lĩnh vực marketing, ecommerce, vẽ, và nhiều thứ khác.
Nếu bạn có tip nào để phát triển tự học nữa thì chia sẻ cho mình và các bạn khác cùng học hỏi nhé.
Chúng ta gắng lên. ❤️