Làm thế nào để có được Marketing Job ở công ty nước ngoài trong năm 2025?
Đây là những điều mình sẽ làm nếu mình muốn đổi Job ở thị trường nước ngoài trong năm mới.
Từ khi mình lập Newsletter Tự Học Marketing Cùng Mình, mình đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ các bạn độc giả — phần lớn qua Email — về đủ các chủ đề. Nhưng chủ đề mà phổ biến nhất đó chính là làm thế nào để tìm được công việc Marketing ở nước ngoài.
Nhân tiện chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là bước sang năm mới 2025, mình sẽ dành bài viết hôm nay để chia sẻ với bạn một số góc nhìn của mình về chủ đề trên. Giả dụ nếu bây giờ mình đang sống ở Việt Nam, muốn làm việc cho các Brand Mỹ hay Úc thì mình sẽ làm gì để có được Job mình mơ ước. Cách tiếp cận của mình sẽ ra sao? Nếu bạn tò mò thì đọc tiếp nhé.
Nhưng trước khi đi vào câu trả lời thì mình muốn chia sẻ với bạn hai câu chuyện. Câu chuyện đầu tiên mình đã từng chia sẻ trên Fanpage cũ (lâu lắm rồi), chắc có lẽ có bạn đã biết. Mình cực kỳ ấn tượng với người bạn này và câu chuyện của bạn ấy.
Câu chuyện thứ nhất: Joy
Joy là người Philippines, mình quen Joy ở Hội Thánh EV Church trên Central Coast.
Joy học y và tốt nghiệp ra có bằng đại học làm y tá. Nhưng bạn ấy bảo cách đây vài năm, cực kỳ khó kiếm việc y tá ở Philippines do nhân lực thừa quá nhiều mà công việc thì ít. Vì thích nghề y tá nên Joy nghĩ tới ra nước ngoài nhưng một thử thách là nhà bạn ấy không có tài chính.
Bố mất sớm, mẹ một mình nuôi 4 chị em. Muốn ra nước ngoài, bạn phải tìm được một công ty mà sẵn sàng tài trợ cho bạn ấy sang đó để làm, chứ bạn không thể bắt đầu bằng việc đi học. Joy cũng bảo mình vì không muốn để mẹ lo lắng nên bạn ấy chỉ có thể tìm công ty chính phủ. Vì các công ty hoặc tổ chức chính phủ thường có nhiều chính sách tài trợ, ưu đãi. Dẫu biết lựa chọn vậy nghĩa là các cơ hội sẽ ít dần, nhưng chỉ có thế thì việc bạn ấy ra nước ngoài mới không làm mẹ lo lắng.
Joy đưa ra quyết định đó vào năm 2019 — thời điểm mà Covid-19 bắt đầu nóng lên ở nhiều nước. Nhưng cũng thật may, lúc ấy nhu cầu y tá lại tăng lên đột biến. Một ngày Joy nhìn thấy mô tả tuyển y tá quốc tế của chính phủ nước Ả-Rập Xê-út. “Cậu biết không, lúc đọc bản mô tả của họ, tớ thích lắm. Vì là tổ chức chính phủ nên họ tài trợ toàn bộ. Tớ sang đó được cung cấp đầy đủ từ chỗ ở đến ăn uống, mọi thứ, lại còn được trả lương. Tớ không phải đầu tư gì… Nhưng cậu ơi, đọc đến đoạn yêu cầu mà tớ choáng, họ yêu cầu y tá phải biết tiếng Ả rập đấy!!! Mà deadline nộp hồ sơ lúc đấy chỉ còn có 1 tháng thôi.”
“Thế khó nhỉ? Ai mà học được tiếng Ả-rập chứ? Một tháng thì sao mà học nổi.” Mình nói.
“Haha, tớ đã học đấy. Vì đấy là cơ hội duy nhất có việc làm nước ngoài của tớ. Tớ tìm kiếm rất nhiều nhưng chỉ có nước này là tài trợ mọi thứ như vậy, nên tớ phải cố thôi. Tớ đã sang Ả-rập Xê-út đó, tớ sống ở đấy hơn 2 năm.”
“Hả???? Vậy là cậu apply và thành công? Cậu học tiếng Ả-rập kiểu gì? Hay là yêu cầu này không quá khắt khe, cậu đã xin miễn?”
“Không đâu. Đó là bắt buộc. Ngay trong hôm biết cơ hội này, tớ đã dành cả buổi tối tìm hiểu về cách học tiếng Ả-rập. Tớ search các video dạy học tiếng trên YouTube rồi tải các sách cho người mới bắt đầu học về. Mỗi ngày tớ cứ nghe rồi nhái lại theo cách họ nói. Ngày nào cũng như thế, từ sáng tới tối. Tớ không tìm được ai dạy cho tớ nên tớ phải tự học. Cứ như vậy rồi tớ cũng nói được. Trong yêu cầu công việc có một bài thi về tiếng, tớ hoàn thành rồi nộp hồ sơ. Được mấy ngày sau, tớ biết mình đã được nhận.”
“Ôi, tớ thật không thể tin nổi. Cậu tự học tiếng Ả-rập chỉ trong chưa đầy 1 tháng??? Cậu đúng là thiên tài thật.”
“Haha, tớ chẳng dám nghĩ thế. Khi tớ nói với mẹ tớ và cả gia đình tớ, mọi người đều giống cậu. Chẳng ai tin. Còn bảo tớ sang đó thì sống kiểu gì. Tớ bảo tớ được tài trợ hết. Mẹ tớ cứ nửa tin nửa ngờ cho đến ngày tớ ra sân bay, mẹ tớ mới thực sự bị thuyết phục là tớ được đi sang Ả-rập.”
“Thế lúc cậu sang đó, cậu nói tiếng Ả-rập à? Có gặp khó khăn gì không?”
“Có chứ, nhiều lắm. Tớ tự học nên những gì tớ biết giới hạn. Tớ có thể giao tiếp cơ bản thôi. Những ngày đầu sang đó tớ bị sốc lắm. Không một ai nói tiếng Anh hết, chỗ tớ ở ấy. Tớ đi làm ở bệnh viện, nhiều người ở đó cứ thắc mắc không hiểu làm sao tớ sang được đây khi chỉ biết nói tiếng Anh, tiếng Ả-rập thì bập bẹ. Họ cứ dị nghị rồi ý kiểu như bảo tớ nên về nước thì hơn. Tớ có hơi buồn chút, nhưng rồi tớ mặc kệ hết. Tớ nghĩ mình đã sang được ở đây rồi, cuộc sống bên này tốt, không phải lo gì về tài chính, lại đã có công việc. Nhiệm vụ và mục tiêu của tớ nên là tập trung cho công việc thì hơn. Cố gắng tích luỹ kinh nghiệm về y tá. Thế là tớ cứ vừa làm vừa học thêm về tiếng. Có một số anh chị tốt, họ sửa cho tớ. Tớ nói sai đâu thì họ sửa cho. Cái gì không biết gọi tên bằng tiếng Ả-rập thì tớ hỏi. Cứ dần dần vậy, tớ nói sỏi hơn và tự tin hơn nhiều.”
“Cậu siêu thật. Tớ chưa bao giờ gặp ai như cậu luôn…. Ủa, mà từ Ả-rập sao cậu sang Anh được?”
“À, đó lại là một câu chuyện thú vị khác. Khi visa ở Ả-rập của tớ gần hết hạn và phải rời nước đó thì tớ nghĩ là mình đã có kinh nghiệm làm y tá rồi. Nhưng về Philippines chưa chắc đã tìm được việc nên tớ lại săn đón cơ hội làm việc ở nước ngoài. Tớ mò mẫm nhiều lắm. Đúng là tạ ơn Chúa, một ngày tớ tìm thấy một bệnh viện ở Anh tuyển y tá. Họ cần người biết chăm sóc bệnh nhân bị Covid — thời điểm đó ở Anh nhiều người bị lắm. Tớ apply và trúng tuyển. Họ cũng tài trợ hết cho tớ. Thế là tớ sang đó à. Mẹ tớ cũng sang Anh nhiều lần để thăm tớ rồi đấy.”
“Thế từ Anh sang Úc thì sao? Cậu cứ như đi vòng quanh thế giới ấy nhỉ?”
“Cũng tương tự à. Tớ cứ tìm cơ hội đi nước khác trên Internet thôi. Cơ hội nhiều lắm. Mình có kinh nghiệm y tá thì cứ theo đó mà search. Cứ tìm là thấy đó cậu. Thật khó tin nhỉ? Tớ từ Philippines, chuyển sang sống và làm việc ở Ả-rập Xê-út, rồi Anh, rồi sang New Zealand 6 tháng và giờ ở Úc. Ai mà ngờ!”
Vì sao mình lại kể câu chuyện của Joy? Đơn giản thôi. Một người nhỏ nhắn như vậy mà lại tự mình đi ra nước ngoài, sống qua nhiều nước khác nhau, bắt đầu hành trình ấy chỉ với một niềm tin và hy vọng. Bạn ấy cứ liên tục tìm kiếm, nỗ lực và theo đuổi thứ mà bạn ấy muốn. Bạn ấy sống ở Phillipines gặp nhiều khó khăn do hạn chế của chính quyền ở vùng bạn ấy sống, nhưng đâu có là rào cản cho bạn ấy đâu? Bằng nỗ lực, sự chủ động và chịu khó, Joy đã đi qua bao nhiêu nước và bây giờ đang có cuộc sống lẫn công việc rất tốt ở Úc.
Rồi, bây giờ là câu chuyện có thật thứ hai.