Tâm lý học tiêu dùng: Hiệu ứng Mere Exposure (tiếp xúc thường xuyên)
Liên tục xuất hiện một cách đều đặn trước khách hàng có tác dụng như thế nào?
Hiểu đơn giản mere exposure effect nghĩa là càng liên tục xuất hiện trước khách hàng thì càng khiến bạn gây được thiện cảm trước họ và khiến họ tin bạn hơn. Kể cả khi ban đầu họ có không thích bạn đến thế nào thì khi liên tục xuất hiện trước họ một cách khéo léo, bạn vẫn sẽ có thể khiến họ dần dần yêu thích bạn.
Mình lấy một ví dụ đơn giản: bản thân mình hồi mới đầu không thích bài hát Lạc Trôi của Sơn Tùng. Không thể nghe được vì không hiểu gì. Đến khi nghe lần thứ hai ở trung tâm thương mại thấy cũng không quá tệ. Nghe lần thứ ba nhà hàng xóm mở thì “hmm, cũng không quá tệ.” Nghe lần thứ tư, “à hoá ra là ý nghĩa đó.” Lần thứ 5, chủ động mở nghe và trở nên... thích. Đây chính là tác dụng của mere exposure effect.
Mere exposure effect trong marketing
Liên tục xuất hiện một cách đều đặn trước khách hàng. Đăng bài đều đặn trên mạng xã hội, email. Chia sẻ thường xuyên. Bạn càng làm một cách đều đặn, quy củ, kỷ luật thì tương tác của bạn với khách hàng mục tiêu càng được cải thiện.
Nếu có ngân sách, hãy chạy quảng cáo rồi tận dụng tối đa các kênh nơi mà khách hàng mục tiêu của bạn thường ở trên đó.
Dưới đây bạn có thể thấy Coca Cola ở các nước có hàng trăm triệu lượt thích, lượt follow trên Facebook thế mà brand này vẫn chạy quảng cáo Facebook đều đều. Có phải họ thừa tiền không?
Chẳng phải đâu, đó là bởi vì Coca Cola hiểu rõ cứ liên tục xuất hiện trước người dùng một cách đều đặn với các thông điệp phù hợp sẽ dần dần khiến họ được ghi nhớ hơn trong tâm trí người tiêu dùng. Thành ra khi ở trong tình huống mà không có lựa chọn họ thích thì Coca Cola sẽ là cái mà khả năng cao họ sẽ nghĩ đến.
Tuỳ chỉnh nội dung cho từng đối tượng mục tiêu
Cold audience: Là những người mà chưa hề ghé thăm website hay tài khoản mạng xã hội của bạn bao giờ. Cũng chưa biết đến bạn nhưng tiềm năng có thể quan tâm và mua hàng từ bạn.
Với đối tượng này, bạn có thể tạo ra các content mang tính chất bất ngờ, thú vị, hữu ích mà liên quan tới họ. Chẳng hạn, nếu bạn đang bán quần áo làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường, bạn có thể chạy quảng cáo nhấn mạnh vào chất liệu vải của bạn và nó có tác dụng tích cực tới da như thế nào.
Warm audience: Là những người mà đã ghé thăm website của bạn hoặc biết bạn qua một kênh nào đó nhưng vẫn còn “on the fence", chưa thực sự sẵn sàng để mua. Họ có thể là những người mà đã xem sản phẩm nhưng rồi bỏ đi luôn mà không cho vào giỏ hàng.
Với đối tượng này, bạn cần cung cấp cho họ các kiến thức sâu hơn về sản phẩm của bạn, cách sử dụng, tác dụng, giới thiệu về bạn để họ hiểu hơn về bạn… Hoặc họ đã biết về bạn rồi nhưng đang tìm kiếm một cái gì đó mới mẻ từ bạn để mua.
Hot audience: Là những người mà đã sẵn sàng để mua từ bạn rồi đấy, nhưng mà vẫn cần một cú “push" nữa để thực sự mua hàng. Những người này có thể là đã cho sản phẩm vào giỏ hàng rồi và đến trang checkout thì nghĩ thế này lại không mua nữa.
Với đối tượng này, bạn có thể tận dụng các chiến thuật marketing như retarget họ với custom preview để tăng độ tin cậy, show cho họ các chính sách đặc biệt như 30 ngày đổi trả miễn phí, free ship hoặc cho họ các incentive đặc biệt như discount.