Temu là gì? Trải nghiệm mua sắm của mình và vài điều chia sẻ với Marketer
Vì sao Temu có thể bán giá rẻ như vậy? Temu hoạt động ra sao? Brand cần làm gì trước sự mở rộng chóng mặt của Temu.... Mình sẽ chia sẻ mọi điều mình biết về Temu trong bài viết này cho bạn.
📍Mình viết bài này để giúp bạn hiểu Temu là gì, dưới góc độ người tiêu dùng và Marketer. Tất cả các Link trong bài được gắn để dẫn nguồn, chứ không có mục đích tiếp thị liên kết. Mình nói rõ trước để tránh sự hiểu lầm có thể xảy ra. Mình không có Affiliate với bất cứ một bên nào trên THMCM — trước đây, bây giờ và mãi mãi sẽ như thế. 😉
Mình đang sống ở Úc và mình đã mua hàng từ Temu 8 lần, với tổng cộng 108 mặt hàng (😭). Còn nhớ cách đây vài tháng mình nhắn tin cho một bạn độc giả thân quen ở Việt Nam nhờ bạn ấy cài App Temu trên điện thoại để có thêm một Referral và nhận được quà Free. “Temu không ship đến Việt Nam!”, có lẽ vì lý do này mà dù bạn ấy đã cài App mình vẫn không nhận được mã xác nhận nào cả.
Thế mà tuần này khắp báo chí rầm rộ Temu đang vào Việt Nam. Mình lướt lướt Internet thấy các thông tin về Temu khắp nơi, nào là các tin về việc Temu giảm giá sốc, 30% hoa hồng cho Affiliate, giá bán rẻ đến mức khó tin. Rồi cũng thấy nhiều câu hỏi kiểu “Temu có thực sự đáng tin cậy không?”, “Temu bán giá rẻ thế thì có đảm bảo chất lượng?”, “Phí ship tới Việt Nam ra sao?”, “Temu sẽ ảnh hưởng đến các sàn như Shopee, Lazada như thế nào?”, “Temu sẽ tạo ra những thay đổi gì đến kinh doanh nội địa?”, “Temu có thể trở thành một cuộc cách mạng cho thị trường, hay chỉ là một hiện tượng “sớm nở chóng tàn”?…
Bên cạnh muôn vạn câu hỏi vì sao về Temu, mình cũng quan sát thấy nhiều người bán hàng và kiếm tiền trực tuyến cực kỳ hào hứng. Mình đã thấy vài bài đăng chia sẻ trên Facebook giới thiệu về Temu, kêu gọi gia nhập cộng đồng Affiliate của Temu để nhận 30% Commission. Nghe có vẻ phấn khởi ghê ha.
Là người đã có kha khá “kinh nghiệm thực chiến” mua hàng trên Temu, mình đã trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc — từ những lần vui mừng vì săn được món hời (yeah!) đến cả những lúc “vỡ mộng” phải mang quần áo tặng lại bạn bè vì size quá lớn dù mình đã chọn size nhỏ nhất. Thêm vào đó, mình cũng hay tám với sếp về Temu và thế giới bán lẻ quốc tế. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ tất cả những gì mình biết và thu lượm được về “gã khổng lồ” này.
Temu đã có mặt ở Mỹ, Úc… một thời gian kha khá rồi. Những Insight từ hai thị trường nước ngoài này có thể sẽ giúp bạn hình dung được tác động của Temu khi Temu chính thức mở cửa cho thị trường Việt Nam chúng ta.
Có gì trong bài viết này:
Temu là gì?
Temu nghĩa là gì?
Temu có giống Amazon không?
Website và Temu App trông như thế nào?
Muốn hiểu về Temu, phải tìm hiểu chút về SHEIN
Temu follows SHEIN: Cách Temu bán hàng với giá siêu rẻ (mình sẽ giải thích cho bạn hiểu vì sao Temu làm được như vậy)
Temu lớn như thế nào trên toàn cầu?
Chiến lược Marketing của Temu có gì đặc biệt?
Temu bán rẻ vậy thì họ đang lời hay lỗ?
Có nên mua hàng trên Temu không?
Các Ecom Brand nên làm gì trước sự “tấn công” của Temu? (5 điểm quan trọng Brand cần nhớ)
Temu thường được phát âm là "tee-moo" (ti-mu), với âm "tee" giống như trong từ "team" và "moo" như âm "mu" trong "moon." Đây là cách phát âm phổ biến nhất mà người dùng quốc tế sử dụng để gọi Temu. ;)
Temu là gì?
Temu là một chợ trực tuyến khổng lồ, nơi các nhà sản xuất và nhà cung cấp — khoảng 80.000 đơn vị, chủ yếu đến từ Trung Quốc — có thể trưng bày sản phẩm của họ và bán trực tiếp cho người tiêu dùng nước ngoài. Nhưng Temu không chỉ đơn thuần là một nền tảng bán hàng Online như Shopee hay Lazada, mà họ hoạt động như một “người cầm tay chỉ việc” cho các nhà cung cấp.
Nói dễ hiểu hơn, bạn hãy tưởng tượng Temu như một quản lý nhà hàng. Nhà hàng thì có đầu bếp (tương đương với các nhà cung cấp) lo chế biến món ăn (sản phẩm), nhưng người quản lý (ở đây là Temu) mới là người quyết định giá cả, xử lý việc phục vụ khách hàng, lo giấy phép, xử lý thanh toán và thậm chí là thu hồi sản phẩm nếu có vấn đề gì. Nói chung, Temu giúp các nhà cung cấp tập trung vào sản xuất, còn mọi thứ khác từ vận chuyển đến dịch vụ khách hàng, Temu sẽ lo từ A đến Z.
Đây chính là điểm khác biệt lớn của Temu so với các nền tảng thương mại điện tử hiện nay. Trong khi Shopee hay Lazada chỉ đơn giản là cầu nối giữa người bán và người mua, Temu lại đóng vai trò chủ động hơn trong việc định giá và quản lý trải nghiệm khách hàng. Cái này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng cho các nhà cung cấp mà còn mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng, vì họ có thể mong đợi một dịch vụ nhất quán hơn.
Temu nghĩa là gì?
Temu là viết tắt của từ “Team Up, Price Down”, nghĩa là “cùng mua, giá giảm”. Đây là cách Temu áp dụng mua hàng theo nhóm, một khái niệm khá phổ biến tại Trung Quốc được gọi là “tuán gòu”. Tức là khi bạn gom nhóm người mua cùng nhau, bạn sẽ nhận được mức giá rẻ hơn nhờ mua hàng với số lượng lớn.
Ở Trung Quốc, mô hình mua hàng theo nhóm bắt đầu từ những người lãnh đạo cộng đồng như chủ cửa hàng tạp hóa hay các bà nội trợ. Họ thường tập hợp một nhóm người có nhu cầu mua chung một sản phẩm nào đó, thường là nhu yếu phẩm như đồ gia dụng hoặc thực phẩm. Qua việc mua chung, nhóm sẽ được ưu đãi về giá nhờ đặt hàng với số lượng lớn. Hoạt động thường diễn ra trên các App nhắn tin như WeChat.
Temu đã tận dụng ý tưởng mua hàng theo nhóm và biến nó thành một chiến lược Marketing quốc tế. Không chỉ dừng lại ở việc bán các sản phẩm với giá sỉ, Temu còn khuyến khích khách hàng chia sẻ liên kết với bạn bè hoặc gia đình để cùng mua hàng và nhận được mã giảm giá. Cách làm này không chỉ thúc đẩy mua sắm mà còn tăng cường sự tương tác xã hội giữa người mua, khuyến khích mọi người mời gọi thêm bạn bè để được giá tốt hơn.
Temu có giống Amazon không?
Nhiều nhà sản xuất bán hàng trên Temu cũng cung cấp sản phẩm cho Amazon, nhưng cách mà hai mô hình này hoạt động có những điểm khác biệt then chốt.
Amazon sở hữu một phần kho hàng của họ — có thể là hàng mua từ nhà bán buôn hoặc bán dưới dạng Private Label. Temu hoàn toàn không sở hữu bất kỳ sản phẩm nào mà họ bán. Tất cả hàng hóa trên Temu đều đến từ các nhà cung cấp và nhà sản xuất độc lập.
Nếu Amazon nổi tiếng với việc tối ưu hóa tốc độ giao hàng, nhờ vào hệ thống hạ tầng vận chuyển và kho bãi khổng lồ, thì Temu lại tập trung vào việc cung cấp sản phẩm với giá rẻ hơn. Temu dựa vào các dịch vụ vận chuyển của bên thứ ba như USPS, vì vậy thời gian giao hàng thường mất ít nhất một tuần hoặc lâu hơn. Nhưng đổi lại, giá bán trên Temu trung bình thấp hơn đáng kể so với Amazon.
Theo giáo sư John Deighton từ Harvard Business School, người chuyên nghiên cứu về hành vi người tiêu dùng, chiến lược dài hạn của Temu là nhắm đến việc “gây khó khăn thực sự cho Amazon”. Đây không phải là một trận chiến về tốc độ, mà là cuộc đua về giá cả và sự tiện lợi cho người mua.
Nếu bạn đang tìm một nơi mua hàng nhanh, Amazon có thể là lựa chọn tốt hơn. Nhưng nếu bạn sẵn sàng chờ đợi để có được mức giá “mềm” hơn, Temu có thể là “chân ái.”
Một người bạn Úc từng nói với mình bạn ấy order vài tấm thảm từ Temu và bạn ấy sẵn sàng chờ đợi gần 12 ngày để có được nó. “It’s just $12 for 3 rugs on Temu. You just ordered it, forget about it, and one day it will arrive at your door. You’ll get a surprise. Fun, right?”
Cũng hợp lý đấy chứ!
Giao diện Website và ứng dụng Temu trông như thế nào?
Phải nói vào Temu là chỉ thấy toàn Deal. Deal “sét đánh”, đồng hồ đếm ngược, các vòng quay may mắn, trò chơi, cơ hội nhận giảm giá hoặc hoàn tiền, Free Gift — phần lớn các ưu đãi này sẽ hết hạn sau khoảng 60 phút.
Đây là Website Temu ở Úc:
Đây là Temu App:
Các Deal trên Temu có dễ săn được không? Câu trả lời là có, nhưng đừng mong là mọi thứ sẽ quá đơn giản! Temu luôn có những cách để làm khó bạn một chút nhằm khiến trải nghiệm săn Deal thêm phần hấp dẫn.
Nếu có những Deal dễ dàng thì thường chúng sẽ giới hạn trong một số Category cụ thể hoặc chỉ cho phép chọn sản phẩm từ danh sách đã được Temu thiết lập sẵn. Một số Deal khác yêu cầu bạn phải đạt đến một giá trị đơn hàng nhất định để kích hoạt khuyến mãi. Ngoài ra, có những trường hợp bạn sẽ phải mời bạn bè tải App và thậm chí họ cũng phải mua hàng thì bạn mới được nhận Deal. Nếu không, bạn cần tích cực chơi các trò chơi trên App và đăng nhập hàng ngày để thu thập phần thưởng.
Có thể nói Temu rất hiểu tâm lý người tiêu dùng, đặc biệt là những người có sở thích săn Deal. Họ biết cách khai thác Instant Gratification (niềm vui tức thì) và cảm giác sung sướng khi săn được món hời ngay lập tức. Tất cả những yếu tố trên App hay Website của Temu đều được thiết kế để tối ưu cho trải nghiệm này.
Một “billion dollar question” đặt ra là làm thế nào mà Temu có thể bán hàng với giá siêu rẻ như vậy? Để tìm ra được câu trả lời, trước hết hãy nhìn vào đối thủ của Temu: SHEIN (phát âm “she-in”), vì về cơ bản Temu đang học theo rất nhiều thứ từ mô hình của e-Retailer này.
SHEIN và mô hình hoạt động
1. SHEIN là gì?
SHEIN là một Fast Fashion e-Retailer có trụ sở tại Trung Quốc, chuyên cung cấp quần áo, phụ kiện, giày dép và thậm chí là đồ làm đẹp với giá cực kỳ cạnh tranh. SHEIN rất nổi tiếng về thời trang giá rẻ và hợp xu hướng (Trendy). Bạn nào thường chơi TikTok hay Instagram có lẽ đã từng nghe về SHEIN rồi.
Phải nhấn mạnh SHEIN không đơn giản chỉ là một trang Web bán hàng; e-Retailer này đang sử dụng công nghệ để thay đổi hoàn toàn cách người tiêu dùng nghĩ về sản xuất và phân phối thời trang. SHEIN không sở hữu các cửa hàng truyền thống như Zara hay H&M, nhưng họ lại bán nhiều sản phẩm hơn cả hai Big Brand này cộng lại. Từ việc nổi lên một cách âm thầm, SHEIN đang chiếm lĩnh thị trường toàn cầu với doanh thu lên đến 24 tỷ USD, và dự kiến sẽ đạt 50 tỷ USD vào năm 2025.
2. SHEIN hoạt động ra sao?
Giáo sư Kenneth P. Pucker từ Tufts University giải thích bí mật thật sự đằng sau sự thành công của SHEIN nằm ở chiến lược “Instant Fashion”. Cụ thể hơn, SHEIN hoạt động như một nền tảng kết nối giữa hai phía: người tiêu dùng và các nhà sản xuất tại Trung Quốc.
Về phía người tiêu dùng, SHEIN có khả năng bắt trúng “gu” thời trang của người trẻ cực nhanh. SHEIN hiện diện ở khắp nơi trên Instagram, TikTok, và Facebook. Họ biết cách “điểm đúng chỗ ngứa” của các tín đồ thời trang nhờ vào công nghệ và khả năng theo dõi xu hướng trên mạng xã hội. Khi có một kiểu dáng nào đó bỗng dưng “hot” trên TikTok, ngay lập tức SHEIN sẽ sản xuất thử một số lượng nhỏ và tải lên App của họ. Nếu thấy người tiêu dùng thích, họ sẽ nhanh chóng sản xuất thêm và bán với số lượng lớn hơn.
Cách làm này được SHEIN gọi là mô hình LATR (Large-scale Automated Test and Reorder), tức là “test và tái đặt hàng tự động quy mô lớn”. Mô hình này cho phép SHEIN thử nghiệm hàng ngàn sản phẩm mỗi ngày. Thử tưởng tượng, trong khi Zara hay H&M mỗi năm ra mắt khoảng 12.000 sản phẩm, thì chỉ riêng từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2021, SHEIN đã tung ra từ 2.000 đến 10.000 sản phẩm mỗi ngày. Tốc độ khủng khiếp không? Đây là lý do vì sao các tín đồ thời trang cảm thấy SHEIN như một “mỏ vàng” không bao giờ cạn, với hàng loạt mẫu mã mới mỗi khi ghé thăm.
3. SHEIN và các nhà máy sản xuất nhỏ tại Trung Quốc
Trước đây, các nhà máy nhỏ (Small and Mid-sized Factories) tại Trung Quốc gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường Mỹ và châu Âu. Họ sản xuất hàng loạt, nhưng hầu hết chỉ cung cấp cho các Mass Brand như Walmart, Target, và Costco — nơi mà phần lớn lợi nhuận chảy về các Brand thay vì nhà máy. Chính vì thế, SHEIN đã “cứu” các nhà máy này bằng cách cho họ một cơ hội tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu, mà không cần thông qua trung gian.
SHEIN liên kết với hơn 6.000 nhà máy nhỏ lẻ. SHEIN theo dõi sát sao những gì đang hot trên mạng xã hội, gửi yêu cầu sản xuất số lượng nhỏ cho nhà máy, và từ đó tung sản phẩm ra thị trường. Khi sản phẩm thành công, các nhà máy lại nhanh chóng tái sản xuất để đáp ứng nhu cầu. SHEIN không sở hữu kho hàng lớn như các đối thủ, họ không phải lo chi phí mặt bằng hay nhân viên cửa hàng. Họ đẩy mạnh công nghệ để theo dõi sát xu hướng và sản xuất một cách chính xác những gì thị trường cần.
Họ thậm chí còn có một hệ thống dữ liệu khổng lồ giúp kết nối các yêu cầu của người tiêu dùng với khả năng sản xuất của từng nhà máy, từ đơn hàng, thanh toán, cho đến vận chuyển. Vì thế, các nhà máy nhỏ muốn làm việc độc quyền với SHEIN thay vì bán cho AliExpress hay Amazon.
Ngoài ra, việc “game hóa” trải nghiệm mua sắm cũng là một chiêu cực kỳ thông minh. SHEIN tích hợp các chương trình khuyến mãi liên tục và trò chơi để kích thích người mua. Những Deal cực kỳ hấp dẫn kèm theo, ưu đãi theo thời gian thực (Real-time Offer, nôm na là tiền tươi thóc thật đó) luôn làm người dùng cảm thấy cần phải mua ngay, không thể chần chừ.
SHEIN đã không chỉ làm thay đổi ngành thời trang mà còn làm thay đổi cách người tiêu dùng mua sắm. Nếu như trước đây, người tiêu dùng chỉ dựa vào các Brand quen thuộc, thì bây giờ, họ sẵn sàng thử những sản phẩm mới đến từ các nhà cung cấp khác — miễn là giá rẻ và hợp thời.