Chính sách thuế mới của Mỹ và vài góc nhìn của mình
US Tariffs và ảnh hưởng tới Ecom Brand lẫn Dropshipping.
Cuối tuần vừa rồi mình nhận được Email từ một bạn độc giả muốn mình chia sẻ suy nghĩ về chuyện Mỹ tăng thuế nhập khẩu và tác động của nó tới Ecommerce nói chung và các Brand thời trang nói riêng. Câu hỏi đến đúng lúc thật. ;)
Phải nói thật mấy năm qua không hề dễ dàng với những người làm Ecom và Marketing. Các bản cập nhật iOS làm đảo lộn toàn bộ cách Marketer theo dõi khách hàng. Chi phí vận hành, sản xuất và vận chuyển hàng hoá từng lúc tăng chóng mặt. Giờ lại tới thuế. Tưởng nay năm nay sẽ hồng hào hơn nhưng khả năng cao không phải là năm hồi phục mà có lẽ còn khó khăn hơn cả mấy năm trước. Rất có thể tăng trưởng bằng 0 hoặc thậm chí âm ở nhiều thị trường.
Nhưng có một điều mình vẫn luôn tin đó là mọi thứ rồi sẽ tốt hơn. Có thể không phải ngay lúc này, nhưng mình nghĩ chúng ta đang đi qua một giai đoạn điều chỉnh cần thiết. Bao nhiêu cú sốc đã xảy ra và Ecom vẫn phát triển tốt. Những ai vẫn trụ được đến giờ dù là duy trì hay đang tăng trưởng đều đã phải học rất nhanh, làm rất giỏi. Mỗi quyết định Marketing, mỗi đồng chi tiêu, mỗi chiến lược tăng trưởng đều phải cân nhắc kỹ hơn, đúng lúc hơn, và khôn ngoan hơn.
Quay trở lại với chuyện thuế của Mỹ, ai sẽ là người chịu ảnh hưởng trực tiếp, ai sẽ được lợi một cách gián tiếp, và Marketer như chúng ta thì nên đọc hiểu thông tin này ra sao để điều chỉnh chiến lược cho đúng? Mình sẽ chia sẻ chút góc nhìn cá nhân và các Insight mình thu lượm được từ các Expert trong Newsletter hôm nay nhé.
Nội dung chính của bài viết:
Sơ qua chút về chính sách thuế mới của Mỹ sau ngày 2/4/2025
Bỏ De Minimis thì ảnh hưởng tới ai trước tiên?
Tác động của chính sách thuế mới của Mỹ và vì sao bạn không thể xem nhẹ dù chỉ tăng vài đô tiền thuế?
Case 1: Một thương hiệu áo thun DTC tại California, sản xuất tại Quảng Châu
Case 2: Một thương hiệu áo thun DTC nội địa tại Mỹ
Case 3: Dropshipping T-Shirt (Temu xì tai)
Temu, Shein… liệu có sống sót?
5 Key Takeaway cho DTC Founder và Marketer từ chuyện thay đổi chính sách thuế của Mỹ
1. DTC Founder đang vào “chế độ thời chiến”, mọi thứ đều phải tính kỹ
2. Thời kỳ tăng trưởng thần tốc đã hết
3. Xây dựng mối quan hệ thật sự với bên sản xuất/nhà cung cấp, không phải là xã giao mà là bạn bè thật sự
4. Tập trung vào sản phẩm, không phải quảng cáo
5. Hành động ngay, đừng đợi sóng đến mới bơi
Disclaimer: Mình viết bài này dưới góc nhìn của một Marketer và chia sẻ các tác động liên quan tới Marketing và Ecommerce. Mình không đi sâu vào các vấn đề thuế của Mỹ với Việt Nam hay các yếu tố chính trị liên quan nhé. Vì đây không phải là mối quan tâm của mình và mình cũng hiểu biết rất hạn hẹp.
Sơ qua chút về chính sách thuế mới của Mỹ sau ngày 2/4/2025
Từ ngày 2/4/2025, chính phủ Mỹ đã tung ra một loạt thay đổi thuế quan có thể coi là mạnh tay nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó, điểm nổi bật nhất là áp thuế cơ bản 10% với hầu hết hàng nhập khẩu, và mức thuế còn cao hơn cho những nước trong tầm ngắm như Trung Quốc.

Nhưng cú đánh bất ngờ nhất? Chính là việc Mỹ xoá bỏ hoàn toàn ngưỡng miễn thuế (De Minimis) với các đơn hàng dưới $800 từ Trung Quốc. Điều này có nghĩa mọi gói hàng nhỏ kiểu đơn lẻ của người tiêu dùng giờ đây đều bị đánh thuế và kiểm tra như hàng hoá thương mại. Với những ai đang bán hàng xuyên biên giới, đặc biệt từ châu Á vào Mỹ, thì đây không còn là chuyện vĩ mô nữa mà là một cơn địa chấn thực sự.
Thử hình dung đơn giản thế này: chính phủ Mỹ nói với phần còn lại của thế giới, “Tụi tôi sẽ thu thêm một khoản phần trăm khi bạn mang hàng vào đây. Không cần biết đó là thứ chúng tôi có thể sản xuất được hay không, miễn bạn nhập là bị đánh thuế.”
Lý do được đưa ra thì nghe có vẻ quen thuộc: bảo vệ sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc vào nước ngoài, khuyến khích doanh nghiệp quay về sản xuất tại Mỹ. Nhưng thực tế thì... không đơn giản như vậy.
Suốt mấy chục năm qua, Mỹ (và rất nhiều nước phát triển) đã chọn đi theo chiến lược tối ưu lợi nhuận bằng cách outsource sản xuất sang những nước có chi phí lao động thấp hơn. Điều này tạo nên một mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu vô cùng phức tạp, nơi một chiếc bình giữ nhiệt, một cái đèn ngủ hay thậm chí là đôi dép bạn đang mang có thể được lắp ráp từ 5 quốc gia khác nhau, mỗi nơi làm một công đoạn.
Và giờ, khi Mỹ muốn thu mình lại bằng thuế quan thì các doanh nghiệp Mỹ lại không có đủ khả năng sản xuất toàn bộ sản phẩm trong nước. Ngay cả các Ecom Brand lớn như Simple Modern vốn đã đổ hàng triệu đô vào việc xây dựng nhà máy tại Mỹ cũng phải thừa nhận rất nhiều sản phẩm của họ vẫn không thể sản xuất nội địa, không phải vì không muốn, mà vì không thể khả thi về mặt tài chính.
Thế giới đã chuyển động quá nhanh. Trong khi Mỹ loay hoay dựng hàng rào, thì các quốc gia từng nhận làm gia công đã đầu tư ngược lại vào công nghệ, tự chủ nguyên vật liệu, và ngày càng trở thành đầu tàu của sản xuất toàn cầu. Những công xưởng thế giới giờ đây không chỉ là nơi lắp ráp mà là những đối thủ đáng gờm về năng suất, về hệ sinh thái sản xuất và đổi mới.
Cuối cùng, ai là người trả giá? Người tiêu dùng. Những khoản thuế tăng thêm không phải được hấp thụ bởi các doanh nghiệp mà được chuyển hoá thành giá bán cao hơn. Những mức tăng giá này không còn là lựa chọn mà là bắt buộc. Và chúng ta cũng đừng quên, kể từ sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp đã quen với việc tăng giá nhiều hơn mức cần thiết nhờ vào tình trạng thiếu hụt, còn người tiêu dùng đã quen với việc trả nhiều hơn mà chẳng ai còn thấy lạ.
Kết quả, một thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới (Mỹ) giờ đây đang gánh trên vai không chỉ là lạm phát, mà còn là khoảng cách giàu nghèo ngày càng rõ rệt. Những ai bán các sản phẩm không thiết yếu sẽ thấy điều này sớm nhất bởi khách hàng bình dân đang ngày càng dè dặt hơn, còn khách hàng cao cấp thì vẫn mua như chưa có chuyện gì xảy ra. Thị trường Mỹ giờ không còn dễ dàng nữa.