Chi tiết cách mình nghiên cứu từ khóa để viết content tiếng Anh
Kèm ví dụ cụ thể từ bài viết gần đây mình đã viết
Nếu bạn muốn đăng ký bản trả phí của Newsletter mà không thể đăng ký qua Substack do không có thẻ Visa/Mastercard thì có thể mua gói 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng qua đây nhé: Mua gói Newsletter.
Mình xuất phát điểm là người chuyên viết nội dung, dịch bài, chỉnh sửa nội dung, content tiếng Việt lẫn cả tiếng Anh… nên việc nghiên cứu từ khóa với mình rất quen thuộc. Mình không phải là một chuyên gia về SEO, keyword research… chưa đủ trình để nhận như vậy, nhưng mình cũng tự tin là biết làm thế nào để tìm ra được những từ cần đưa vào bài và viết sao để tối ưu cho công cụ tìm kiếm.
Khi mình vào làm ở công ty mới, mình kiêm nhiệm khá nhiều việc. Nhưng mình vẫn rất hứng thú nhận thêm cả phần viết blog nữa, đặc biệt nếu là về content thông thường. Vì mình rất thích đào sâu về một chủ đề, tìm hiểu xem các cơ hội để blog có thể được rank tốt trên Google, viết, publish và nhìn sự thay đổi về thứ hạng của nó theo thời gian. Cảm giác cực kỳ phấn khích đấy, không hiểu vì sao, như nghiện vậy. 😊
Hôm nay mình sẽ chia sẻ với bạn chi tiết quy trình mà mình đã áp dụng để giúp cho một bài viết gần đây mà mình đăng trên blog của brand nhanh chóng có rank tốt trên Google. Không phải là xuất sắc nhưng leo lên được top 2 cho một số từ khóa và nằm trong top 10 cho nhiều từ khóa nhất định chỉ sau vỏn vẹn có 2-3 tuần đăng thì cũng không quá kém. Nhất là khi Internet càng ngày càng đầy rẫy thông tin và cạnh tranh đến nghẹt thở.
Có gì trong bài viết này:
1. Brief mà sếp giao cho mình
2. Chi tiết cách mình nghiên cứu từ khóa
3. Một vài câu hỏi mình biết nhiều bạn “canh cánh trong lòng" 😊
Rồi, bắt đầu đi vào từng mục.
1. Brief mà sếp giao cho mình
Công ty mình có cơ sở sản xuất quần áo ở Bali, Indonesia. Tất cả các mẫu thiết kế được thiết kế ở Úc, nhưng do chính tay các thợ thủ công, nghệ nhân (artisans) ở Bali làm ra. Chất liệu vải vóc… đều lấy từ tự nhiên trải qua quá trình dệt, nhuộm ở địa phương cho nên các sản phẩm không chỉ có chất lượng tốt, thân thiện môi trường mà còn đậm chất văn hóa.
Vậy nên, sếp của mình muốn có một bài blog truyền tải được nét đẹp văn hóa này của Bali. Trọng tâm sẽ là mô tả quá trình dệt bằng khung cửi (handloom technique), vải dệt (handloom fabric), và có một phần nói về lịch sử nghề dệt ở Indonesia. Sếp cho mình một brief cực kỳ ngắn gọn như vậy, kèm theo một câu “nhớ mention sản phẩm bloom shrug vừa ra mắt nhé.” Ngoài ra, sếp không đề cập gì đến từ khóa, SEO, độ dài bài viết…
Nhiệm vụ của mình là biến nó thành một bài blog hoàn chỉnh.
Hiển nhiên, mình sẽ không chỉ dừng lại ở những gì sếp yêu cầu. Mình luôn nỗ lực để làm tốt nhất có thể. Cho nên khi nhận brief từ sếp, trong đầu mình đã bắt đầu mường tượng ra bài blog nên trông ra sao, mình cần làm gì để cover được các ý sếp muốn và làm sếp bất ngờ. Cách tiếp cận của mình đó là, nếu đã tốn công sức viết một bài blog, thì nó không thể chỉ dừng lại ở việc promote một sản phẩm. Cũng không thể chỉ dừng lại ở việc đăng lên website và chia sẻ trên Instagram.
Mình cần phải làm cho bài viết:
Mang lại giá trị nhiều nhất cho người đọc: Cung cấp thông tin về nét đẹp văn hóa của nghề dệt ở Bali, đan xen mô tả về chiếc bloom shrug một cách tinh tế, nói về handloom fabric và cách nhận biết, cách bảo quản… Quan trọng hơn, phải làm cho người đọc đọc bài blog và nhận ra được sứ mệnh của brand. Phải làm cho họ hiểu được brand của bọn mình không phải chỉ sản xuất và bán quần áo vì lợi nhuận mà còn chú trọng tới các giá trị bền vững.
Thu hút thêm nhiều người đọc bài viết qua SEO: Nếu chỉ dừng lại ở việc chia sẻ qua email hay social thì người ta vào đọc một lần rồi thôi. Sau đó chắc chẳng mấy ai biết đến. Thêm nữa, vì bài viết này có thể chuyển hướng thành “evergreen content" được vì chủ đề chính vẫn là handloom fabric ở Bali. Do vậy, nó có cơ hội tốt để đạt được thứ hạng tốt trên Google khi được tối ưu với đúng từ khóa.
Sau khi đã vạch rõ ý tưởng và mục tiêu, mình bắt đầu tiến hành nghiên cứu từ khóa.
2. Chi tiết cách mình nghiên cứu từ khóa
Mình dành khoảng 2 đến 3 tiếng cho việc nghiên cứu từ khóa và tìm kiếm thông tin. Mình đảm bảo với bạn là làm theo những gì mình làm dưới đây là đủ rồi. Nếu bạn có tiền đầu tư vào các SEO tool như Ahrefs, SEMRush… thì quá tuyệt, nhưng nếu không có thì chẳng sao cả. Con nhà nghèo thì có cách học và làm (chân chính) của con nhà nghèo. 😊
Các tool miễn phí và rất rẻ mình sử dụng
Google search
Hoàn toàn miễn phí mà lại rất tốt. Nghĩ tới cái này trước khi nghĩ tới mấy tool xa xỉ nha.
Google Keyword Planner
Cũng miễn phí luôn. Thực ra nó là một tool nằm trong Google Ads. Để sử dụng Google Keyword Planner, bạn chỉ cần tạo một tài khoản Google Ads (không cần phải chạy quảng cáo thì mới sử dụng được Keyword Planner nhé). Bạn tạo tài khoản Ads để truy cập vào dashboard và các tool thôi.
Keyword Everywhere
Đây là một tiện ích mở rộng (Extension) cho Google Chrome, Firefox, và Microsoft Edge. Gói thấp nhất là Bronze, 2.25 đô/tháng thôi, rẻ lắm à. Gói này cho bạn 100.000 credit, mỗi lần bạn search một thứ gì đó thì tính là một credit.
“Ủa thế thì dùng được mấy đâu? Ngày em phải search hàng trăm lần thì 100k dùng được có 1, 2 tháng là hết à?”
Đúng vậy, nhưng nhớ là bạn có thể turn on/off extension này bất cứ lúc nào. Khi research xong rồi thì tắt nó đi để không dùng credit, làm như này thì chẳng tiết kiệm. Mình luôn làm thế.
Có rất nhiều lý do vì sao mình cực kỳ thích Keyword Everywhere:
Rẻ, đúng vậy, (nhớ, con nhà nghèo!): Lý tưởng cho các bạn content writer hay marketer mà không cần đi sâu quá vào SEO. Nếu bạn cần một tool để nghiên cứu từ khóa, phân tích nội dung đối thủ, theo dõi trend…, Keyword Everywhere là lựa chọn không thể bỏ qua. Nếu bạn là SEO Specialist hoặc cần tool mà có nhiều tính năng cấp cao hơn và có ngân sách thì SEMRush hoặc Ahrefs thẳng tiến nhé.
Đáng tin cậy: Keyword Everywhere có nguồn dữ liệu được lấy từ Google, Google Keyword Planner, Moz, AnswerThePublic, Bing, YouTube… và thậm chí cả DuckDuckGo nên yên tâm là kết quả chất lượng.
Dễ sử dụng và tiện lợi: Bạn cài vào trình duyệt, mua bản trả phí, và bật lên dùng. Mỗi lần research xong thì turn off để tiết kiệm credit. Các data đều hiển thị ngay trên trình duyệt, thấy ngay search volume, CPC, trend, các từ khóa liên quan, long-form, short-form trên màn hình luôn, không cần phải chuyển đổi tab rồi section này kia. Rất productive!
Hỗ trợ đa nền tảng: Bạn có thể dùng Keyword Everywhere để nghiên cứu từ khóa trên Google, Amazon, eBay, Etsy, YouTube, Pinterest…
Nhiều tính năng hữu ích: Bên cạnh nghiên cứu từ khóa trên các công cụ tìm kiếm và platform, bạn có thể dùng Keyword Everwhere để phân tích nội dung của một trang bất kỳ, phân tích độ phủ của từ khóa, trích xuất các trang có thứ hạng cao của một website, xem dữ liệu về các xu hướng…
Tuy vậy, không có tool nào là hoàn hảo 100%. Keyword Everywhere cũng có một điểm yếu đó là hiện tại nó chỉ hỗ trợ hiển thị dữ liệu ở Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand, Ấn Độ, Nam Phi, và Global. Nghĩa là bạn không thể tìm được kết quả chính xác bao nhiêu người search cho từ “handloom fabric" ở Việt Nam. Bạn chỉ có thể biết được search volume ở các quốc gia mình đề cập hoặc dữ liệu chung toàn cầu thôi.