Chiến lược 7 giai đoạn mình áp dụng để chinh phục Digital Marketing
Khi viết bài này mình đã nhìn lại quá trình và bất ngờ nhận ra chúng đều có những nấc thang rõ ràng nên mình chia giai đoạn cho bạn dễ theo dõi và tiện áp dụng nếu bạn muốn.
Bài viết này đã được đăng tải trên newsletter cũ của mình, giờ nó không còn tồn tại nữa nên mình sẽ chia sẻ lại cho bạn nào cần nhé.
Vào năm 2021, trong chưa đầy hai tuần sau khi hoàn thành luận văn thạc sĩ Marketing tại Central Queensland University (Úc) mình có job offer với vị trí Digital Marketing Executive tại Hello Earth Agency. Mặcdù đã làm freelance content marketing một thời gian rồi nhưng mình lại tập trung vào B2B. Thành ra, nếu nói về Digital Marketing cho Ecommerce thì mình không biết gì mấy cả.
Mình là người khá có tổ chức và kế hoạch, có thể nói như vậy. Mình luôn tính trước các mục tiêu và dự định của mình, chứ hiếm khi chờ nước đến chân mới nhảy, đặc biệt khi nói đến sự nghiệp, công việc.
Trong thời gian làm luận văn thạc sĩ cuối khoá, mình đã đặt ra một kế hoạch: kết thúc buổi thuyết trình bảo vệ luận văn là phải tập trung ngay vào sửa CV và tìm việc full-time về Digital Marketing. “Trước khi ra trường phải có job offer”, mình tự nhủ bản thân chắc chắn phải như vậy.
Chưa đầy hai tuần sau đó, mình có job offer với vị trí Digital Marketing Executive tại Hello Earth Agency.
Mình đã lo lắng rất nhiều. Vì mặc dù đã làm freelance content marketing một thời gian rồi nhưng mình lại tập trung vào B2B. Thành ra, nếu nói về Digital Marketing cho Ecommerce thì mình không biết gì mấy.
Tuy nhiên, mình biết đây là cơ hội tuyệt vời để mình bứt phát. Do vậy mình đã lên một chiến lược rèn luyện Digital Marketing cho bản thân với một mục tiêu cốt lõi đó là sau một năm làm việc tại agency mình phải được “thăng tiến” lên Specialist. Dưới đây chính là những gì mình đã làm để đạt được mục tiêu này.
Có một chú ý nhỏ là thời gian đầu mình không có phân giai đoạn nhé (ai biết trước được tương lai lại đi được nhanh như vậy 😁). Khi viết bài này mình đã nhìn lại quá trình và bất ngờ nhận ra chúng đều có những nấc thang rõ ràng nên mình chia giai đoạn cho bạn dễ theo dõi và tiện áp dụng nếu bạn muốn.
Giai đoạn 1: “Nhúng” bản thân vào “biển” kiến thức cơ bản của Digital
Vì là dân “ngoại đạo” bước chân vào nghề nên mình xác định mình phải nỗ lực gấp mười lần đồng nghiệp. Họ có thể làm 9-to-5, 9 giờ sáng làm, 5 giờ chiều nghỉ, còn mình sẽ phải cố gắng học và mày mò bất kể trưa tối, không giới hạn miễn là còn sức.
Mục tiêu của mình trong giai đoạn này là học và nắm vững các kiến thức cơ bản, càng nhiều càng tốt. Bởi vì với Digital Marketing, những thứ cơ bản quan trọng hơn bất cứ điều gì khác.
Những thứ cơ bản ở đây chính là:
Tâm lý học tiêu dùng (consumer psychology)
Nghiên cứu audience (audience research)
Nghiên cứu khách hàng (customer research)
Phân tích hành vi khách hàng (customer behavior analysis)
Cách vận hành của thương mại điện tử (ecommerce)
Vậy mình rèn luyện những kiến thức này như thế nào? Đó là đọc sách, đọc trên Internet, xem video, hỏi đồng nghiệp, lắng nghe những gì họ chia sẻ, ghi chép hết sức có thể… Thời gian rảnh thì lôi ra tự nghiên cứu lại.
Mình dành rất nhiều thời gian trên Facebook Ads Library.
Vì sao?
Vì quảng cáo là một trong những kênh marketing mà áp dụng tâm lý khách hàng nhiều nhất. Bạn cứ lên thư viện quảng cáo Facebook, gõ tên brand bạn thích rồi xem họ đang chạy quảng cáo gì, vì sao có cái họ dùng video, có cái dùng hình ảnh tĩnh. Có cái có copy quảng có cái không. Cách họ dùng từ, màu sắc, font chữ, khuyến mãi… ra sao. Bạn sẽ học được ti tỉ thứ rồi. Đây chính là cách mà mình đã nâng cấp hiểu biết của bản thân về tâm lý học tiêu dùng rất nhanh chóng.
Giai đoạn 2: Tập trung vào website và CRO
Sau khi đã nắm vững về tâm lý học tiêu dùng, hành vi khách hàng, và vận hành của ecommerce, mình nâng cấp bản thân lên với các kiến thức về website và conversion rate optimization (CRO).
Có một điều mình nhận thấy là một số bạn khi muốn bước vào digital marketing thì thường bắt đầu trước với các mạng xã hội. Tuy nhiên, cái này không phù hợp lắm bởi vì người dùng và website mới là cái lõi đầu tiên. Bạn hiểu người tiêu dùng trước rồi đi vào website, từ đó mới đi ra các kênh khác.
Như bản thân mình thấy vì mình đã đi hết consumer psychology và behavior cũng như cách thức hoạt động của ecommerce rồi nên khi đi vào website mình nắm bắt khá là nhanh. Tìm hiểu website và tối ưu hoá chuyển đổi rất chi là thú vị vì mình khám phá được những ngóc ngách mà trước đây mình chẳng biết chúng có ý nghĩa gì.
Trong giai đoạn này cụ thể mình đào sâu vào những mảng sau:
Thiết kế website: Nghe có vẻ kỳ đúng không, vì thiết kế là của Designer, liên quan gì đến Marketer. Đúng vậy, nhưng hiểu biết về cách một website được thiết kế ra sao sẽ giúp bạn có được cái nhìn đúng khi kết hợp nó với tối ưu hoá chuyển đổi. Bởi vì dù có áp dụng thủ thuật bán hàng gì thì vẫn phải đảm bảo website phản ánh được thương hiệu và hài hoà với các yếu tố khác trên trang. Ngoài ra, nắm rõ thiết kế website sẽ giúp bạn có được hình dung tổng thể một trang gồm có cấu trúc ra sao và các điểm chạm (touchpoint) quan trọng.
Ecommerce SEO (search engine optimization): Bao gồm meta title, meta description, tối ưu SEO cho các trang trên web, nghiên cứu từ khoá, trang sản phẩm… Mình đi sâu vào tìm hiểu SEO sẽ bổ trợ như thế nào với ecommerce.
Tech stack (công nghệ, tool…) mà giúp ích cho tối ưu chuyển đổi: Chẳng hạn các đồng hồ đếm ngược, widget cho customer review, banner, email popup, post-purchase survey…
Các tích hợp (integration): Google Analytics, Google Tag Manager, Google Merchant Center, Google Search Console, Facebook Pixel…
Customer lifecycle (vòng đời khách hàng) với các sự kiện (event) chủ chốt: xem sản phẩm (view product), thêm sản phẩm vào giỏ hàng (add to cart), rời bỏ giỏ hàng (abandon cart), thanh toán (check out)…
Các chỉ số đo lường (key metric) quan trọng: Chẳng hạn traffic, session, unique visit, click-through rate và conversion rate.
Giai đoạn 3: Tập trung vào email marketing
Sau khi vào làm tại agency được khoảng 3 tháng thì mình được sếp giao cho phụ trách email marketing cho các brand. Từ chỗ làm đủ thứ về digital marketing giờ chuyển sang tập trung chuyên sâu vào một mảng là cả một thử thách lớn. Do vậy mình quyết định dồn hết thời gian để nghiên cứu về email marketing, Klaviyo, và MailChimp (Klaviyo và MailChimp là hai nền tảng email marketing phổ biến trong thương mại điện tử).
Mình đào sâu mảng này như thế nào:
Vào blog Klaviyo và trang help center của họ, đọc hết những gì liên quan. Sau đó, đối chiếu với dashboard của brand và xem thử là họ đã tối ưu những thứ cơ bản hay chưa. Chỗ nào chưa làm tốt thì mình ghi chép lại hết.
Tạo hai email cá nhân khác và sử dụng chúng để đăng ký email marketing của các brands mà mình thấy ấn tượng. Mình thường dành thứ 6 mỗi tuần để kiểm tra Inbox hai email này và xem thử các thương hiệu khác đang dùng email marketing như thế nào: họ viết cái gì, khuyến mãi gì, thiết kế email ra sao… Mình khuyến khích bạn làm cách tương tự — đây là điều rất tốt để nghiên cứu đối thủ cũng như tạo kho tài nguyên nghiên cứu độc đáo của riêng bạn.
Bóc tách email marketing thành các mảng để học, bao gồm: Set up, Deliverability (các vấn đề liên quan đến tỷ lệ gửi email thành công), Accessibility (mức độ dễ truy cập của email, ví dụ, nó có được thiết kế để người dùng bất kể ngôn ngữ, điều kiện cá nhân có thể xem được), Segmentation (phân nhóm subscriber), Design (thiết kế email), Email Campaigns (các chiến dịch email đơn lẻ), Automated Email Flows (các chuỗi email tự động), Email Copy (viết copy email), Customer Journey (hành trình mua hàng của khách hàng), Customer Lifecycle (vòng đời khách hàng), Integrations (tích hợp với các tool liên quan để tối ưu hiệu quả bán hàng đa kênh, ví dụ Facebook, Typeform, customer review apps) và email performance analytics (phân tích hiệu quả email dựa trên dữ liệu).
Giai đoạn 4: Dấn thân vào data
Khi đi sâu vào email marketing, mình nhận ra điểm yếu rõ rệt của mình thời gian đó là data analytics. Do vậy, khi hiểu rõ về email marketing, mình quyết định chuyển sang tập trung vào mảng data. Tuy nhiên, mình mở rộng ra business data và marketing data, chứ không chỉ để ý mỗi email bởi vì phân tích hiệu quả marketing cần có cái nhìn rộng trên tất cả các kênh.
Mình rèn luyện khả năng phân tích dữ liệu bằng cách:
Tích cực tham gia các buổi báo cáo performance của team, chú tâm lắng nghe, ghi chép cách các bạn phân tích hiệu quả. Chỗ nào không hiểu thì mình đánh dấu lại dành thời gian riêng tìm hiểu thêm hoặc nhắn tin nhờ đồng nghiệp giải thích.
Đọc, xem video liên quan về data analytics. Mình cũng follow nhiều người trên Twitter, LinkedIn… để học hỏi kinh nghiệm của họ. Một số website mình thấy hữu ích bao gồm No Best Practice, Triple Whale, Common Thread Collective, DTC Newsletter.
Đặt các câu hỏi Why (tại sao), How (như thế nào, bằng cách nào), So What (vậy thì sao) mỗi khi thấy một vấn đề xuất hiện hay sự thay đổi trong hiệu quả. Mình đã từng chia sẻ việc áp dụng kỹ thuật này để lấy insight ở đây: Marketing Insight — Chính xác nó có nghĩa là gì? Và 3 câu hỏi mình luôn dùng để tìm ra Insight.
Giai đoạn 5: Tập trung vào thử nghiệm
Khoảng tháng 5 năm 2022, agency có sự phát triển khá tốt. Bọn mình có nhiều brand mới tìm đến nên mình mạnh dạn xin xếp chịu trách nhiệm với một vài brand ngay từ đầu. Mình audit các thương hiệu trên các kênh xem thử họ đang hoạt động như thế nào rồi lập báo cáo kèm đề xuất chiến lược. Vì chủ động như vậy cộng thêm các đề xuất thực tế nên sếp cho mình trực tiếp làm việc với họ luôn.
Khi có cơ hội lớn đến như vậy mình không bao giờ bỏ qua. Đã học được những gì trước đó mình đều cố gắng áp dụng và thử nghiệm để xem thử những giả thuyết của mình liệu có đúng đắn. Quá trình này đã giúp mình trưởng thành một cách nhanh bất ngờ. Mình nhạy hơn trong việc phát hiện ra các thay đổi trong hành vi khách hàng, hiệu quả marketing và cũng đưa ra được các ý tưởng cải thiện tốt hơn trước.
Từ đó đến nay, khi đã là Ecommerce Marketing Specialist/Growth Strategist cho fashion brand hiện tại, mình cũng áp dụng tư duy thử nghiệm chứ không áp đặt các chiến lược marketing một cách cực đoan. Bởi vì mỗi brand sẽ có những điểm khác biệt, mình không thể đưa ra một kết luận chắc chắn nào cho đến khi test.
Giai đoạn 6: Đi sâu vào quảng cáo
Cái này thì nhiều bạn đã biết vì mừng đã từng chia sẻ.
Tháng 6 năm 2023 mình được sếp giao cho mảng quảng cáo trả phí (Facebook và Google Paid Ads). Một lần nữa đi từ con số không, mình cũng áp dụng y hệt bước đầu tiên đó là “nhúng” bản thân vào kiến thức nền tảng trước để hiểu rõ các platform hoạt động ra sao; follow những người trong nghề, phân tích lịch sử chạy trước đây rồi dựa trên data và insight để đề xuất chiến lược với sếp. Cách tiếp cận này lại có ích cho mình.
Bạn có thể đọc thêm chi tiết cách mình tự học chạy quảng cáo Google Ads hay kinh nghiệm chạy Meta Ads của mình nha.
Giai đoạn 7: Chia sẻ cho người khác
Mình hiện tại đang ở giai đoạn này, đó là học và rèn giũa bản thân hơn nữa bằng cách chia sẻ lại kiến thức và kinh nghiệm của mình cho người khác.
Qua việc chia sẻ kiến thức về Digital Marketing và Ecommerce trên Tự Học Marketing Cùng Mình, ít nhất một bài một tuần và đăng bài đều đặn trên Threads, mình có cơ hội rà soát và hệ thống lại chuyên môn của bản thân. Phải nhấn mạnh là mình đã trở nên cứng cáp và tự tin hơn nhiều kể từ khi bắt đầu hành trình này. Mình cũng được khích lệ và cảm thấy yêu nghề hơn nhờ các bạn.
Ngoài những gì mình đã viết ra ở đây thì hành trình của mình từ con số không thành một Digital Marketing Specialist và Growth Strategist còn gắn với cả bao nhiêu sự lên xuống của sự quyết tâm, kỷ luật, và kiên trì. Không phải dễ dàng, không phải chỉ toàn màu hồng nhưng thực sự là những thử thách hoàn toàn xứng đáng.
Mình tin rằng nếu mình làm được thì bạn cũng làm được. Nếu người khác làm được thì chúng ta cũng làm được. Vậy nên hãy dũng cảm theo đuổi nha. Cơ hội đang chờ sẵn bạn.
Cám ơn bạn về bài viết tổng hợp rất giá trị. m năm nay gần 40 tuổi vẫn làm văn phòng,cũng đang tìm hiểu digital marketing. Mong nhận được nhiều chia sẻ kiến thức từ bạn về digital marketing
Cám ơn bạn. Mình bước qua tuổi 40 chông chênh và đang nhón nhẹ những bước chân vào nghề. Mong bạn giúp đỡ mình nhé!