[16 tip] Kinh nghiệm dùng LinkedIn để tìm kiếm cơ hội việc làm ở nước ngoài của mình
LinkedIn là "mỏ vàng" cho cơ hội nghề nghiệp ở nước ngoài.
Bài viết này đã được đăng lần đầu tiên trên trên Newsletter cũ của mình (giờ không tồn tại nữa). Mình đăng lại trên THMCM phòng khi hữu ích cho bạn nhé. Hiện tại với thời gian eo hẹp, mình không đăng bài viết mới trên LinkedIn, nhưng mình vẫn tương tác và có mặt trên đó hàng tuần. Các tip mình chia sẻ trong bài là kinh nghiệm thực tế của mình. Tất cả các công việc ở Úc mình có đều là từ LinkedIn hết. Thậm chí với công việc hiện tại là sếp mình tìm đến mình trước, bạn có thể đọc chia sẻ ở đây nhé.
Mình ngạc nhiên là nhiều bạn có mong muốn làm việc ở thị trường nước ngoài, nhưng lại chưa tận dụng LinkedIn tí nào. Một số ở trên đó nhưng Profile lại nhìn như trang Facebook cá nhân — ảnh đại diện, mô tả, bài viết, bình luận… dùng từ rất thiếu chuyên nghiệp, “trẻ con.”
Mình thấy vài bạn “Open to work” nhưng Profile lại không hề phản ánh được bạn là một ứng viên tiềm năng để khi người ta ghé thăm, người ta muốn “Connect", “Follow" và tiếp cận qua tin nhắn. Đây là một cơ hội rất lớn để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng đã bị bỏ lỡ — trong khi đó, chỉ cần biết chỉnh sửa một chút là bạn đã có thể nắm lấy cơ hội đó ngay lập tức.
Thế nên hôm nay mình sẽ chia sẻ với bạn những tip thực tế, hữu ích, và được chứng thực từ mình để tối ưu hoá LinkedIn và biến nó thành portfolio “chất” chuẩn bị cho cơ hội nghề nghiệp sắp đến. Bài viết này hữu ích cho tất cả mọi người, đặc biệt là với những bạn đang xây dựng thương hiệu cá nhân và/hoặc chuẩn bị nền móng cho tìm cơ hội nghề nghiệp ở thị trường nước ngoài (kể cả trong nước).
Đầu tiên, có vài thứ về LinkedIn mà mình muốn bật mí với bạn chút xíu.
10 sự thật về LinkedIn mình đã học được
Mình đã nhắc rất nhiều về LinkedIn rồi — bạn nào mà follow mình từ hồi còn viết trên Form Your Soul cho tới bây giờ chắc là biết rõ điều này. Với mình, LinkedIn là nền tảng không thể thiếu trên hành trình mình đạt thu nhập hơn 180k USD từ freelance cho tới các công việc fulltime ở nước ngoài hiện tại.
Hiển nhiên, hành trình để có được những kết quả tốt này cùng hơn 5700 follower trên LinkedIn lẫn các kết nối với những Key Professionals trong Ecommerce và Digital Marketing là không hề dễ dàng. Mình đã từng cực kỳ ngại ngùng khi chia sẻ những dòng đầu tiên trên Platform này. Đã từng viết, xoá, viết lại, đăng, xoá rồi cứ một vòng luẩn quẩn như vậy. Nhưng rồi thời gian cùng suy nghĩ “nếu không dám bước đi thì không bao giờ tiến lên được” đã giúp mình vượt qua mọi suy nghĩ tiêu cực. Đến bây giờ mình đã có một LinkedIn Network cực kỳ giá trị.
Ngoài những thành tựu đó, mình cũng đã học được kha khá điều thú vị từ LinkedIn mà mình nghĩ là bạn cũng muốn biết.
Không quan trọng bạn đang là ai, LinkedIn là nơi cực kỳ tốt để học hỏi và kết nối với những người đang làm việc cùng lĩnh vực hoặc có cùng suy nghĩ, quan điểm.
Bạn chia sẻ cái gì cũng được, miễn là nó thật và sát với những gì bạn đang làm và/hoặc show trên Profile vì đó là cách để người ta tin tưởng bạn.
Kỷ luật và kiên trì trong việc đăng bài đều đặn rất quan trọng. Khi ai đó đã quan tâm tới cái gì bạn share thì họ sẽ follow hoặc chờ đợi bài của bạn.
Bài viết ít tương tác không có nghĩa là nó không có ích, có người chưa like bài viết mình bao giờ nhưng lại nhắn tin cho mình bảo là rất thích những gì mình chia sẻ. Họ không thích like hay comment vì đó không phải là thói quen của họ.
Nếu mới đăng bài trên LinkedIn, tương tác thấp và tưởng như chẳng tạo ra tác động gì, nhưng cứ kiên trì rồi bạn sẽ thấy kết quả.
Đừng vội đăng bài khi chưa tối ưu Profile, làm chuẩn chỉnh Profile trước rồi hãy đăng, vì bài viết của bạn mà hay, khả năng người ta sẽ xem Profile bạn rồi mới follow là rất cao. Bạn muốn gây ấn tượng tốt và giúp họ hiểu bạn là ai khi họ ghé thăm “nhà” bạn.
LinkedIn tốt và hiệu quả, nhưng nó chỉ dành cho những người nghiêm túc, kiên trì và đầu tư — giống như bất cứ một thứ gì khác bạn đang theo đuổi.
LinkedIn tốt đấy, có nhiều chuyên gia và nhiều người đáng học hỏi trên đó. Tuy nhiên, nó cũng không thiếu những lời khuyên sáo rỗng, những “chuyên gia giả mạo” chuyên đi copy paste bài người khác, và các bot AI. Cho nên bạn chú ý lựa chọn đúng người để kết nối và học hỏi.
Kiên trì chia sẻ đều đặn. Nhưng điều này không có nghĩa ngày nào bạn cũng phải đăng, và đăng nhiều bài mỗi ngày. Nếu bạn không có ý tưởng gì cả, nếu bạn bận, nếu bạn mệt, bỏ qua vài ngày không đăng cũng chẳng ảnh hưởng gì. Your life and your health matter more.
LinkedIn hoàn toàn khác với Instagram, Facebook, TikTok, và các mạng xã hội khác. Thế nên, đừng có cái gì đăng trên Facebook cũng đăng lại trên LinkedIn. Nhớ là “LinkedIn is for professionals - it's all about professional networking.”
Rồi, bây giờ chúng ta cũng đi vào 16 điểm quan trọng để biến LinkedIn thành Portfolio chuyên nghiệp nhé.
Phần 1: Trau chuốt LinkedIn Profile
Như mình đã nói ở trên, LinkedIn là “ngôi nhà” của bạn. Người ta nhìn nhà là biết được bạn là người như thế nào. Nhà đẹp thì người ta vào thấy ấn tượng. Nhà mà luộm thuộm, lộn xộn, chỗ kia bày bừa chỗ khác lại ngổn ngang những thứ linh tinh thì người ta chỉ muốn rời khỏi càng sớm càng tốt.
Do vậy, khi bạn tạo LinkedIn Profile, cần chú ý trả lời được câu hỏi: bạn muốn người ta nghĩ về bạn như thế nào khi xem Profile của bạn. Bạn muốn họ thấy ở cái bạn gì và bạn có thể làm gì/giúp được gì cho họ.
1. Định vị bản thân
Trên LinkedIn Profile, có hai vị trí quan trọng liên quan đến định vị bản thân bạn mà người ta thường để ý đầu tiên. Đó chính là Background Photo (ảnh cover đầu Profile của bạn) và Headline.
Cái bạn để trên Background Photo cần phải khớp với cái bạn đặt ở Headline. Nếu không thì người ta đọc vào sẽ chẳng thể hiểu được rốt cuộc bạn là ai cả.
Background Photo:
Background Photo nên có text overlay, tức là chữ trên ảnh. Hình ảnh và chữ cần có sự hoà hợp với nhau.
Như Background Photo của mình, mình liệt kê ra các mảng chuyên môn của bản thân. Mình chọn chiếc lá màu xanh vì màu xanh thường gắn liền với “sustainability.”
Hoặc bạn có thể showcase ra những khách hàng bạn đã từng làm việc cùng.
Hoặc show ra vị trí/dịch vụ bạn cung cấp, khách hàng đã từng làm cùng, kèm một call to action như dưới đây:
Hoặc hình ảnh một khoảnh khắc đáng nhớ của bạn trong công việc, chẳng hạn một lần bạn được phỏng vấn, một lần bạn xuất hiện trên podcast, một lần bạn giảng dạy về marketing… Những cái này đều thể hiện năng lực và thành tích của bạn, góp phần gây ấn tượng tốt với người khác.
Một cách thể hiện ảnh cover khác mình cũng thường thấy đó là tên, vị trí chuyên môn và một hình ảnh về bản thân, chẳng hạn như dưới đây.
Headline:
Headline là dòng chữ ngay dưới ảnh profile và tên của bạn. Headline này có giới hạn 220 ký tự.
Khi người ta vào profile của bạn, họ sẽ nhìn thấy Headline. Tuy nhiên, họ cũng nhìn thấy Headline của bạn ngay trên feed.
Do vậy, Headline cực kỳ quan trọng. Nó thể hiện bạn là ai và bạn có thể làm được gì ngay từ cái nhìn lướt qua. Nếu Headline thú vị thì nó sẽ khiến một người click vào tên bạn để vào “nhà” bạn tìm hiểu và follow bạn.
Có nhiều cách để viết Headline. Hoặc bạn có thể chỉ đơn giản để tên vị trí và công ty mà bạn đang làm việc:
Hoặc nhấn mạnh nội dung mà bạn chia sẻ trên LinkedIn. Khi chủ đề bạn chia sẻ hấp dẫn, hữu ích thì người ta sẽ có khả năng click follow luôn.
Hoặc nhấn mạnh vào cái mà bạn có khả năng làm:
2. Viết phần About thể hiện khả năng của bạn
Phần About có giới hạn 2000 ký tự. Thông thường nó nên bao gồm các thông tin về bạn, tập trung vào kỹ năng, chuyên môn và những gì bạn có thể làm được. Tuy nhiên, tuỳ vào vị trí, lĩnh vực mà bạn có thể sáng tạo để thể hiện phong cách cá nhân của mình.
Chẳng hạn, Masooma Memon viết phần About tập trung vào chị ấy, nhưng người ta đọc là cũng thấy được khả năng viết content của chị ấy như thế nào rồi.
Sarah Noel viết phần About của chị ấy tập trung vào pain point của các công ty mà chị ấy nhắm tới và đưa ra giải pháp.
Khi viết phần About, chú ý tới phần Top Skills. Bạn được lựa chọn 5 kỹ năng hàng đầu của mình để show ra ngay dưới phần About. Top Skills nên là các kỹ năng tốt nhất thực sự mà bạn đã rèn luyện được.
3. Thêm mô tả cho từng vị trí kinh nghiệm đã làm
Trong phần kinh nghiệm, nhiều người thường chỉ viết tên vị trí và công ty đã làm. Ngoài ra không cung cấp thêm thông tin gì cả.
Sau nhiều nghiên cứu các Profile khác và đọc các chia sẻ của họ, mình nhận thấy phần mô tả nên được tận dụng tối đa. Nó là nơi tốt để thể hiện trước đây bạn đã từng làm gì ở một công ty nhất định, có thành tựu gì không, và đã có đóng góp ra sao.
Ngoài ra, bằng cách viết chi tiết những gì bạn đã làm tại các vị trí cũ, bạn cũng có thể chèn các từ khoá quan trọng về mảng bạn đang làm. Điều này sẽ giúp tăng khả năng Profile của bạn được hiển thị khi ai đó search các từ khoá liên quan.
4. Cập nhật các chứng chỉ, testimonial
Nếu trong thời gian vừa qua bạn đã hoàn thành các chứng chỉ về digital từ HubSpot, Google, Coursera… thì hãy nhớ cập nhật vào phần Licenses & Certifications trên LinkedIn. Bạn cũng nhớ thu thập các Testimonial (lời chứng, lời khen ngợi, nhận xét tích cực…) từ sếp và đồng nghiệp cũ để hiển thị ở phần Recommendations. LinkedIn cũng có một mục gọi là Honors & Awards — nếu bạn đã nhận được giải thưởng gì quý giá thì hãy nhớ cho vào mục này nhé.
Part 2: Kết nối, kết nối và kết nối
5. Hiểu đúng người cần kết nối
Muốn LinkedIn Feed của bạn chỉ toàn các nội dung mà bạn quan tâm và có ích thì hãy nhớ là ngay từ đầu bạn cần kết nối với đúng người. Đúng người ở đây là người làm đúng mảng mà bạn đang quan tâm hoặc đang nhắm đến.
Ví dụ, nếu bạn là một Content Writer thì bạn sẽ muốn kết nối với những người làm trong mảng Content, Digital Marketing, Creative. Tìm các Title như vậy để follow và connect với họ.
Nếu bạn là một nhân viên chạy quảng cáo thì follow những chuyên gia về PPC, Meta Ads, TikTok Ads… sẽ rất có lợi cho bạn.
6. Tìm người kết nối bằng thanh Search
Cách thứ nhất để tìm đúng người kết nối đó là gõ lên thanh Search mảng mà bạn đang hứng thú và muốn tìm người làm cùng lĩnh vực này.
Ví dụ, bạn gõ lên thanh Search “social media marketing.” Bạn sẽ nhận được màn hình kết quả như dưới đây. Click chọn People.
Bạn sẽ thấy rất nhiều người đang làm việc trong mảng Social Media Marketing. Việc cần làm bây giờ là kết nối với họ thôi. ;)
7. Tìm người kết nối dựa theo công ty
Một cách khác để tìm người kết nối đó là gõ tên công ty bạn mơ ước. Ví dụ, mình gõ Tiki thì sẽ nhận được kết quả dưới đây.
Click View Page > People để xem những người mà đang làm việc tại Tiki. Bạn sẽ thấy rất nhiều người tại Tiki để kết nối.
8. Tìm một Lead và dựa vào đó rồi kết nối
Cách này khá đơn giản. Ví dụ, khi bạn search tìm một người trên LinkedIn, bạn vào Profile của họ rồi dựa vào các đề xuất hiển thị xung quanh để mở rộng Network.
Hoặc vào lịch sử hoạt động của họ và xem thử họ thường like hay repost bài viết của ai. Nếu có người làm bạn hứng thú và thấy các nội dung họ chia sẻ hữu ích thì hãy click follow ngay nhé.
9. Kết nối như thế nào?
Khi bạn chọn Connect để kết nối với một người nào đó, bạn có một option để gửi note cá nhân cho họ.
Bạn có thể chọn Add a note để gửi thông điệp cá nhân.
Note cá nhân này nên viết theo hướng thể hiện điểm chung giữa hai bạn để tạo cảm giác gần gũi thân thiện. Ví dụ, nếu bạn thấy một bài viết của họ hay, bạn có thể connect với họ kèm tin nhắn, “tui đã follow bạn từ lâu, thấy nội dung bạn chia sẻ rất hay nên muốn làm quen.” Hoặc bạn cũng có thể đề cập cả hai cùng làm một mảng nên hứng thú kết nối để học hỏi từ nhau và mở đường cho các cơ hội làm việc sau này.
Nếu có thời gian, bạn có thể nghiên cứu một chút về người bạn muốn kết nối để cá nhân hóa tin nhắn.
Khuyến khích bạn gửi note khi connect như thế này vì nó sẽ tránh việc connect request của bạn bị lờ đi. Đồng thời nó cũng giúp tăng khả năng họ chấp nhận kết nối của bạn.
Part 3: Chia sẻ nội dung trên LinkedIn
10. Ngách hay không ngách?
Câu hỏi muôn thuở, “nên chọn ngách hay viết chung chung, mảng gì cũng viết?”
Câu trả lời của mình đó là nếu bạn đã chọn được ngách, nếu bạn đã có một công việc ở một mảng cụ thể, hãy bắt đầu từ nó. Chia sẻ những thế mạnh của bạn và tập trung biến bạn thành một Subject Matter Expert trên LinkedIn.
Tuy nhiên, nếu bạn chưa xác định được mình mạnh ở mảng nào hay công việc trước đây đều chung chung thì cũng không vấn đề gì. Cứ viết bất cứ cái gì mà nảy ra trong đầu bạn và làm bạn thích thú khi viết. Đừng để câu hỏi “ngách hay không ngách” khiến bạn cứ mãi bị “stuck" trong đầu không thể nào tiến lên được.
11. Bắt đầu viết cái gì?
Một câu hỏi muôn thở thứ hai, “em nên viết cái gì, em thấy mình chẳng có gì để chia sẻ…”
LinkedIn tuy là mạng xã hội dành cho người đi làm, không phải nơi để “chém gió” như Facebook. Nhưng bạn có thể chia sẻ rất nhiều thứ trên LinkedIn — kể cả cá nhân lẫn công việc, miễn là những gì bạn chia sẻ có giá trị thực sự với Target Audience của bạn.
Mình lấy ví dụ, nếu bạn là nhân viên kế toán, bạn có thể có bài viết đầu tiên về 10 sự thật về nghề kế toán mà sau X năm làm việc bạn mới nhận ra. Hành trình bước vào nghề kế toán của bạn. Những thủ thuật kế toán có ích cho người mới bắt đầu…
Nếu bạn là nhân viên Content Witer, hãy viết về những cách bạn áp dụng để thoát khỏi Writer’s Block, cách để tạo ra các tiêu đề chất lượng, những lỗi khi viết bài bạn đã mắc phải…
Đừng ngần ngại chia sẻ cái mà bạn có bởi vì thực sự là bạn có rất nhiều thứ để cởi mở với người khác.
12. Xây dựng Idea Pool
Khi việc viết trên LinkedIn đã vào luồng rồi thì bạn nên xây dựng cho mình một “biển ý tưởng” (Idea Pool). Ý tưởng đến từ mọi nơi, trong lúc bạn đang làm việc, trong lúc ăn cơm, đi ngoài đường, trên xe bus… Hãy ghi chép chúng lại và cho vào “biển ý tưởng” của bạn.
13. Xác định tần suất chia sẻ
Tần suất chia sẻ cũng là một điều hay trên LinkedIn. Bạn không nhất thiết phải viết mỗi ngày một bài nhưng cố gắng tạo ra sự đều đặn trong viết bài, ví dụ mỗi tuần 3 bài vào mỗi thứ 2, 4, 6, chẳng hạn. Làm vậy bạn sẽ có động lực để cố gắng hơn và cũng duy trì được tương tác ổn định với Follower.
14. Đa dạng Content Type
LinkedIn cho phép bạn đăng bài dưới dạng text (văn bản), chèn hình ảnh hoặc video/carousel. Mỗi một định dạng đều có cái lợi riêng. Bạn có thể thử nghiệm với các format này để tìm xem đâu là cái mà có ích nhất cho bạn.
Cá nhân mình khá bận nên mình không có nhiều thời gian để sản xuất nhiều dạng content. Mình chỉ tập trung vào text và/hoặc image kèm text — tương tác cũng tương đối tốt.
15. Viết thật hấp dẫn
Đa phần mọi người không hoàn toàn đọc hết bài post của bạn. Do vậy, nếu hai câu đầu tiên của bài mà không tạo ra được một sự thu hút nhất định thì khó mà họ sẽ click “...see more” để đọc tiếp.
Do vậy, khi viết bài đăng trên LinkedIn, cần dành thời gian suy nghĩ thật kỹ về hai câu đầu của bài. Hỏi bản thân liệu nó có đủ thu hút hay chưa? Có đủ hấp dẫn khiến người ta tò mò về nội dung còn lại không? Nếu không thì bạn nên xem thử liệu có chỉnh sửa được hai câu đầu cho hay hơn không nhé.
Một vài cách viết hai câu đầu mà mình thường áp dụng:
Đề cập một tool nổi tiếng và “nhá” (tease) về kết quả bọn mình đạt được khi dùng tool đó.
Chia sẻ về việc mình đã tự học một mảng mới ra sao — mình biết nội dung này sẽ relate với nhiều người.
Chia sẻ về việc mình đã học được gì từ những bài post của một expert. Chú ý tag họ vào bài viết để tăng exposure nha.
16. Comment ý nghĩa vào bài viết của người khác
Để lại một bình luận ý nghĩa vào bài viết của người khác không phải chỉ là “thanks for sharing.” Một chiến thuật bạn có thể áp dụng là cám ơn họ chia sẻ nhưng có thể kèm theo một vài dòng nói về việc bạn cũng có trải nghiệm tương tự hoặc giải thích vì sao bạn hoàn toàn đồng ý với họ.
Ví dụ Jekaterina chia sẻ là team nào cũng cần biết về profit & loss (lời lỗ của công ty ra sao). Adam và Will vào comment là họ không đồng tình lắm — không phải team nào cũng cần biết. Mình cũng nghĩ tương tự nên mình để lại comment chia sẻ là ở công ty mình ví như team design chẳng cần biết chi tiết về performance. Trình bày sổ sách với họ chỉ làm họ ong đầu và mất tập trung.
Một ngày sau khi mình để lại bình luận, Adam đã gửi cho mình một tin nhắn cá nhân như thế này:
Jekaterina thậm chí cũng nhắn tin riêng với mình như dưới đây.
Bạn thấy đấy, đôi khi việc tạo ra kết nối với những chuyên gia trong ngành chỉ đơn giản là bằng một bình luận có ý nghĩa mà thôi. Chẳng quan trọng việc bạn là ai, bạn ở đâu, bạn là người nước nào, hay bạn đã đi làm mấy năm rồi, có biết gì nhiều về lĩnh vực không… Cái bạn chia sẻ có thể là cái mà người khác chưa hề biết, thế nên cứ mạnh dạn “speak out loud”, “share what you’ve learned”... Các mối quan hệ sẽ đến với bạn rất bất ngờ và rất có giá trị.
Viết tiếng Anh hay tiếng Việt?
Một câu hỏi muôn thuở khác nữa mà mình được hỏi kha khá nhiều: Nên viết tiếng Anh hay viết tiếng Việt trên LinkedIn?
Thực ra thì không có một công thức cố định nào cả. Viết tiếng gì là tuỳ ở bạn. Tuy nhiên, cá nhân mình thấy rằng nên xác định đối tượng Audience (nhà tuyển dụng, doanh nghiệp…) mình nhắm đến thật phù hợp và lựa chọn một ngôn ngữ để chia sẻ.
Vừa cover tiếng Anh lẫn tiếng Việt trong một bài viết thường về lâu dài sẽ khá là phức tạp. Đó còn chưa kể LinkeIn không hiển thị cả bài của bạn ngay mà thường ẩn 80% nội dung sau từ “...see more” như mình đã đưa ví dụ ở trên. Nên cho dù bạn có viết tiếng Anh trước hay tiếng Việt trước thì cũng không ai biết là bạn viết cả hai thứ tiếng cả — trừ khi họ đọc cả bài. Thành ra, audiences có thể sẽ rất confused.
Chọn một đối tượng nhắm đến và tập trung toàn bộ nguồn lực viết bằng ngôn ngữ mà bạn đã lựa chọn. “Laser-focused” sẽ giúp bạn luôn đi đúng hướng chứ không bị phân tán tư tưởng.
Túm lại
Bây giờ là thời điểm vàng để tút toát lại LinkedIn, xây dựng thương hiệu cá nhân trên nền tảng này và chuẩn bị sẵn sàng chào mời các cơ hội bứt phá nghề nghiệp từ mọi miền trên thế giới.
Bạn có thể bắt đầu bằng việc tối ưu lại Profile bản thân, kết nối với đúng người và chia sẻ nội dung đều đặn trên LinkedIn hàng tuần. Chỉ cần kiên trì là sau một, hai tháng bạn sẽ thấy kết quả ngay đó. Mình có thể chắc chắn với bạn như vậy.
Hy vọng bài viết này có ích cho bạn nha.