Vì sao mình đã từ chối các offer làm việc fulltime để nhận một công việc contract?
Đôi khi lùi một bước là để tiến ba bước.
Ngày mai là tròn 3 tuần mình làm việc ở brand mới Nomad the Label. Mọi thứ cực kỳ tốt. Mình cảm thấy đây là cơ hội được thử thách và phát triển chuyên môn tốt nhất từ trước tới giờ của mình — mình chưa bao giờ được làm ở một công ty nước ngoài mà ngày nào cũng được “chém gió” ý tưởng và buôn ecommerce trực tiếp với founder một cách thoải mái như vậy. 😊
Với bài viết hôm nay, mình sẽ làm rõ một điểm mà có kha khá bạn đã hỏi mình: “Tại sao chị lại nhận một công việc contract mà không phải full-time? Sự khác biệt giữa hai hình thức này là gì?”
Okay, đầu tiên hãy làm rõ hai khái niệm này, phòng khi nhiều bạn chưa hiểu.
Sự khác nhau giữa Contract Work và Full Time
Mình không rõ ở Việt Nam ra sao, nhưng ở nước ngoài, cụ thể là nước Úc mình đang sống, có hai hình thức tuyển dụng/làm việc rất phổ biến: Contract và Full-time.
Một công ty có thể thuê bạn về làm nhân viên toàn thời gian cho họ (full-time). Hoặc họ có thể tuyển dụng bạn dưới dạng hợp đồng (contract) và bạn lúc này được gọi là Contractor. Mỗi hình thức đều mang lại các lợi ích cụ thể cho cả người đi làm lẫn nhà tuyển dụng.
Contractor là gì?
Một Contractor là một người làm việc cho một công ty dưới một hợp đồng trong một khoảng thời gian cụ thể. Hợp đồng này là thỏa thuận giữa công ty và Contractor, liệt kê nghĩa vụ và trách nhiệm của cả hai bên, đặc biệt là những gì mà Contractor sẽ làm cho công ty.
Contractor không thực sự là một thành viên của công ty — họ được thuê để hoàn thành một hoặc nhiều nhiệm vụ nào đó. Công ty trả chi phí cho họ dựa trên phí đã được hai bên đồng ý, có thể theo dạng dự án, theo giờ hoặc theo tuần.
Hết thời hạn hợp đồng, công ty có thể làm mới hợp đồng (nếu có các dự án mới khác hoặc dự án hiện tại cần tiếp tục được vận hành) hoặc chấm dứt hợp đồng với Contractor.
Nhân viên full-time là gì?
Cái này thì dễ hiểu rồi. Một nhân viên full-time là một người làm việc toàn thời gian cho một công ty, có thể là 8 tiếng một ngày - 5 ngày một tuần hoặc 7 tiếng một ngày - 6 ngày một tuần, tùy chính sách làm việc của mỗi doanh nghiệp.
Nhân viên full-time là một thành viên nội bộ của công ty. Họ được trả lương cố định và các khoản thưởng theo chính sách của công ty đó (nếu có). Họ cũng được công ty đóng thuế cho một phần, được trả bảo hiểm (ở Việt Nam), được đóng tiền super (lương hưu, ví dụ ở Úc), có ngày nghỉ lễ, nghỉ ốm, nghỉ phép hàng năm được trả lương… Nói chung một nhân viên full-time được hưởng nhiều chế độ đặc biệt — Contractor không có những điều này.
Nếu làm một bảng so sánh giữa Contractor và nhân viên full-time thì sẽ như thế này. Để cho cụ thể, mình sẽ lấy bối cảnh là thị trường lao động ở Úc nhé:
Contractor có khác với freelance không?
Một vài người nhầm lẫn Contractor với Freelancer. Tuy nhiên, chúng không phải là một.
Điểm giống là cả Freelancer lẫn Contractor đều phải tự đóng thuế, đóng super… Họ không được hưởng các chế độ đãi ngộ như một nhân viên toàn thời gian. Họ có thể được thuê để làm việc trong một khoảng thời gian nhất định. Họ có sự tự do, linh hoạt về hình thức làm việc.
Điểm khác:
Contractor thường được thuê để đảm nhiệm một vị trí (role) cụ thể nào đó tạm thời hoặc phát sinh theo nhu cầu. Ví dụ, công ty có một bạn làm kế toán nghỉ sinh 6 tháng, công ty quyết định thuê một Accounting Contractor về làm thay bạn này trong 6 tháng. Hết 6 tháng, khi bạn kế toán quay lại làm việc thì hợp đồng với Contractor sẽ chấm dứt. Trong khi đó, Freelancer được thuê theo dự án, skill-based. Ví dụ, công ty cần copy cho một website mới nên họ thuê một Freelance Copywriter để viết copy cho họ.
Bởi vì cái số 1 nên bạn có thể thấy Freelancer có nhiều sự tự do và linh hoạt hơn so với Contractor. Với trường hợp bạn Accounting Contractor trên, trong 6 tháng làm tại công ty, bạn ấy có thể vẫn phải đi làm 8 tiếng một ngày, 5 ngày một tuần. Chỉ có điều bạn ấy không nhận lương và hưởng chế độ như một nhân viên full-time mà bạn ấy nhận lương theo thỏa thuận của hợp đồng.
Bởi vì cái số 1 và 2 nên Contractor lắm khi chỉ có thể làm việc hợp đồng cho một công ty tại một thời điểm. Bạn cứ hình dung, bạn làm Contract thay một bạn full-time thì xét về khối lượng công việc, bạn chẳng khác gì một nhân viên toàn thời gian rồi. Bạn kiêm vị trí đó, kiêm toàn bộ trách nhiệm, không có sự lựa chọn để tập trung vào một mảng cụ thể như Freelancer.
Contractor khi làm việc tốt, thể hiện năng lực qua kết quả công việc, và công ty cũng cần một người như vậy lâu dài thì tiềm năng để được công ty giữ lại và được offer làm việc full-time là rất cao.
Rồi, bây giờ thì bạn đã khá là hiểu rõ về sự khác nhau giữa Contractor, full-time employee và Freelancer rồi đúng không? Nhìn sơ qua, bạn sẽ thấy làm nhân viên full-time tốt hơn nhiều, không chỉ được nhận lương mà còn được đủ thứ đãi ngộ nữa. Ở Úc, nhân viên full-time mỗi năm được nghỉ ít nhất 3 đến 4 tuần — nghỉ này là nghỉ ngơi hoàn toàn, để đi holiday nhé. Nghỉ ốm, nghỉ chăm sóc người thân… là loại nghỉ khác. Đó còn chưa kể mỗi dịp Giáng Sinh và Năm mới, cả công ty nghỉ 2 đến 4 tuần và số ngày nghỉ này tách biệt với ngày nghỉ holiday. Với tất cả các ngày nghỉ, nhân viên full-time đều được trả lương hết. Nghe hấp dẫn quá!
Vậy tại sao mình vẫn từ chối offer full-time để làm việc dưới dạng một Contractor — ngoài được công ty thanh toán tiền dựa trên thỏa thuận hợp đồng ra thì chẳng có lợi ích gì nữa cả?
Để mình giải thích.
Ở thời điểm hiện tại, contract work là cơ hội để mình tăng tốc kỹ năng và kinh nghiệm bản thân
Mình hiện tại đang là Ecommerce Marketing Specialist (Contractor) cho Nomad the Label — một thương hiệu thời trang thiết kế tập trung cho phân khúc phụ nữ trên 45 tuổi.
Mình nhận được job offer này vào thứ 6 ngày 8/2. Nó đến với mình hết sức nhanh chóng và bất ngờ. Để cung cấp cho bạn bối cảnh vì sao mình lựa chọn brand này, mình sẽ kể lại chút chút về sự xuất hiện của offer này nhé. Mình đã từng kể rồi nên nếu bạn đã đọc được và thấy nhàm thì kéo nhanh xuống phần dưới nha (thành thật xin lỗi 🥰).
1. Công việc contract nhưng đúng với định hướng sự nghiệp marketing của mình
Tính đến thứ 4 ngày 6/2, mình có vài offer tiềm năng để cân nhắc và mình phải ra quyết định lựa chọn cái nào sẽ là đích đến của mình. Nói chung các chế độ đều tốt. Nhưng điều mình lưỡng lự nhất là các vị trí không hẳn về ecommerce và không có công ty nào là sustainable brand cả.
Mình nhắm đến sustainable brand là các thương hiệu mà sản xuất và bán các sản phẩm thân thiện môi trường, đặt mục tiêu bền vững, đóng góp cho cộng đồng chứ không chỉ mục đích kinh doanh vì lợi nhuận. Đây là mong muốn từ lâu của mình, và sau khi rời công ty cũ, mình rất muốn bám sát định hướng này chứ không lựa chọn công ty ngẫu nhiên nữa.
Những offer tiềm năng mà mình có đều không phải là sustainable. Mình cực kỳ lấn cấn.
Thế rồi tối thứ 4 hôm đó khoảng 9h tối, mình vào LinkedIn và để ý thấy có một người kết nối với mình, tên là Donal Breslin. Mình thấy title là Managing Director tại Nomad the Label. Mình nhìn tên công ty quen lắm, chắc chắn đã thấy đâu đó rồi nhưng không nhớ nổi là thấy ở đâu.
Chú ấy kết bạn với mình kèm một tin nhắn như thế này:
Mình tò mò, chấp nhận kết bạn và trả lời tin nhắn chú ấy.
Nói chuyện vài ba câu về chủ đề sustainability. Chú ấy bảo muốn tiếp tục trò chuyện. Hỏi mình 2 giờ chiều thứ 5 có rảnh không thì zoom call. Mình đồng ý.
Đúng là “hợp cạ.” Mình nói chuyện với chú ấy gần 2 tiếng chém gió đủ thứ. Vợ chú ấy là người sáng lập ra business này. Một thời gian sau đó thành công nên chú ấy quyết định nghỉ công việc về tech sales để làm cùng vợ. Chú ấy tự học marketing, tự mày mò hết. Tư tưởng của chú ấy là customer first, chứ không phải lúc nào cũng “brand, brand, brand”. Mình cũng có cách nghĩ tương tự. Customer experience phải luôn đặt lên hàng đầu.
Chú ấy hỏi mình thế kế hoạch hiện tại ra sao. Mình cũng chia sẻ mình đang có vài offer để ngỏ nhưng mình chưa quyết định gì do mong muốn vẫn là tập trung vào ecommerce và làm việc với một sustainable brand. “I want to go all in with a purpose-driven brand”. Mình nói với chú ấy như vậy.
Mình có nói với chú ấy mình không thể chần chừ thêm mà phải trả lời các công ty kia, chậm nhất thứ 2 tuần tới. Nên nếu có cơ hội được làm việc cùng Nomad thì chú ấy có thể cho mình biết sớm được không. Chú ấy bảo là trước mắt đang nghĩ đến làm việc dạng contract vì chú chưa hình dung được một vị trí full-time cụ thể. Nhưng chắc chắn contract sẽ được chuyển sang full-time vì chú ấy sẽ mở rộng brand và khối lượng công việc sẽ rất nhiều. Chú ấy nói để tui suy nghĩ rồi mai (tức là thứ 6 mùng 8/2 đó) tui sẽ email lại.
Sau khi kết thúc cuộc trò chuyện, mình viết một email thể hiện mong muốn được làm việc cùng chú ấy như dưới đây. Đồng thời hỏi rõ về hình thức làm việc và khi nào thì sẽ contract kết thúc và sẽ được chuyển thành full-time permanent.
Chú ấy trả lời lại như thế này:
Chiều thứ 6 mùng 8/2, chú ấy quay lại mình với một offer: full-time freelance contract trong 6 tháng. Sau 6 tháng, nếu hai bên làm việc ổn với nhau sẽ là full-time permanent.
Được làm ở vị trí Ecommerce Marketing Specialist cho một sustainable brand, lại làm việc trực tiếp với chú Founder, còn gì tuyệt vời hơn nữa chứ!
2. Công việc contract cho mình sự linh hoạt mình mong muốn
Chú Donal cho phép mình làm việc hybrid: một tuần 5 ngày thì 3 ngày là việc office, còn lại 2 ngày làm việc ở nhà. Phải nói sướng không thể tả nổi!
Hồi trước làm ở công ty cũ, mình đi làm ở công ty 5 ngày một tuần. Buổi sáng ra khỏi nhà lúc 7h15 để kịp xe bus, đến công ty là 8 giờ. Làm từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều, thường chồng mình đi đón, về đến nhà lúc 5h30. Nếu chồng không đón được thì mình bắt xe bus, về đến nhà là 6 giờ tối. Đôi khi cũng mệt đó, nhất là mùa hè nắng nóng.
Cái cảm giác tuần nào cũng làm 5 ngày, nhưng chỉ có 3 ngày phải đến văn phòng, còn thứ 5 và thứ 6 được làm việc ở nhà làm mình lúc nào cũng trên mây. Mình thích lắm vì mình làm việc độc lập rất tốt — từng làm việc freelance hơn 3 năm, sau đó thời ở Hello Earth Agency cũng làm remote nên làm việc độc lập đã là “tố chất" của mình rồi (😁).
Còn một cái nữa. Hôm đến gặp chú Donal và Nomad team để biết văn phòng và môi trường làm việc, chú Donal hỏi mình dùng máy tính cá nhân của mình được không. Lúc đó, mình bảo không vấn đề gì.
Nhưng về nhà, mình nghĩ mang đi mang lại máy tính bất tiện ghê. Nên mình email chú ấy là bạn có thể chuẩn bị cho tui một cái máy được không? Trong thâm tâm, mình biết là chú ấy ok thôi và sẽ chuẩn bị cho mình một cái máy cũ. Ai ngờ chú ấy mua nguyên cái máy mới Macbook chip M2 cho mình. Chú ấy còn cute tới mức chụp ảnh gửi cho mình xem, bảo là bàn làm việc của bạn đã sẵn sàng và hôm đầu tiên đừng mang đồ ăn trưa vì chú ấy sẽ đặt đồ ăn ngoài cho cả công ty. Quý chú ấy hết sức!
3. Làm việc trực tiếp với Founder là một cơ hội cực lớn
Sau 3 tuần làm việc tại Nomad, mình hiểu rõ chọn làm Contractor cho brand này là một quyết định cực kỳ sáng suốt. Bởi vì được làm việc với chú Donal đã cho mình được học hỏi và tiếp cận những thứ mà mình chưa bao giờ dám tưởng tượng.
Để mình kể bạn nghe. Hôm mà chú Donal nhắn tin cho mình và bảo mình Zoom call nói chuyện với chú ấy, mình đã vào LinkedIn của chú Donal xem có gì hay ho biết thêm về chú ấy không. Vào LinkedIn chú ấy và nhận ra cách đây 2 tuần chú ấy là khách mời của The Unofficial Shopify Podcast trong episode mới nhất: From Festival Romance to $5M Fashion Brand w/ Donal Breslin, Nomad the Label.
Mình quyết định dừng mọi thứ lại nghe eposide về Nomad The Label để biết thêm về câu chuyện của chú Donal và brand. Mình nghe chú ấy chia sẻ trên podcast mà cứ chép chép miệng vì cách chú ấy suy nghĩ về marketing y hệt mình. Biết được công ty năm ngoái đạt hơn 4 triệu đô dù mới chỉ trên thị trường từ năm 2020 càng làm mình háo hức hơn nữa.
Chú Donal phải nói là một Ecom Founder chuẩn chỉnh. Tư duy cực kỳ cởi mở. Chú ấy trước đây là một chuyên viên tuyển dụng mảng tech, hơn chục năm liền. Chú ấy làm cho công ty rất bự. Vợ chú ấy làm kinh doanh thời trang riêng. Đến khi công ty vợ chú ấy (chính là Nomad) thành công quá, vợ làm một mình không xuể nên chú ấy quyết định nghỉ việc về làm cùng vợ với vị trí Managing Director, Co-founder. Chú ấy từ chỗ không biết gì về ecommerce, mày mò, tự học, tự thử nghiệm, đưa công ty từ chỗ chỉ vài trăm nghìn đô một năm lên doanh thu hơn 4 triệu đô chỉ sau chưa đầy 3 năm.
Chú ấy rất thích công nghệ, rất nhạy bén với cái mới, chú ấy cũng rất khôn ngoan trong việc lựa chọn hợp tác với các agency và chuyên gia. Đã đầu tư là đầu tư vào cái tốt, chứ không phải cứ chọn cái “ngon, bổ, rẻ" rồi kết quả lởm khởm. Tuy hợp tác với nhiều bên, nhưng không phải chú ấy phó thác hết cho họ, mà chú ấy hiểu hết các platform, các nền tảng marketing, chú ấy vẫn nắm đằng chuôi, không thể múa rìu qua mắt thợ với chú ấy được. Chú ấy cũng là người có hoài bão lớn. Hiện tại, bọn mình đang mở rộng sang thị trường Mỹ và đây là mục tiêu lớn nhất trong năm nay của chú ấy nói riêng và cả brand Nomad nói chung.
Thế cũng đủ thấy vì sao mình lại háo hức khi được làm việc trực tiếp với chú Nomad rồi đó. Mỗi ngày đi làm, chú ấy và mình thường nói chuyện trao đổi khoảng 1 tiếng đầu giờ. Chú ấy hay chia sẻ, hay nói cho mình nhiều cái, làm mình cũng bị “áp lực" phải đầu tư vào bản thân để còn có cái mà “chém gió" với chú ấy. Chứ không thể làm Marketer mà chẳng biết xu hướng thị trường ra sao, hỏi đâu cũng ú a ú ở được. Tuy áp lực thật, nhưng cũng là động lực lớn. Mình đúng là đang được ở vị trí “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Chú ấy là cái đèn, hy vọng mình làm việc cạnh chú ấy một ngày cũng trở nên sáng chứ không đen trắng lộn xộn như hiện tại. ;)
Còn một cái khác nữa, vì chú Donal chỉ hợp tác với những người rất xuất sắc trong ngành, cũng chú trọng đầu tư vào ecom tech nên mình được “chạm trán" với tất cả. Chú ấy tin tưởng mình giao cho mình phụ trách triển khai, quản lý các app. Chú ấy cũng cho mình tham gia các cuộc gọi với nhiều chuyên gia marketing —- ngày nào làm việc cũng như đi học vì mình được biết đủ thứ. Cũng hay là vì mình rất nhạy bén với tech, nên mình tiếp cận khá nhanh. Thành ra chú ấy càng cho mình được đi sâu vào “lõi" của brand hơn.
Đôi khi, hãy lùi một bước để tiến 3 bước
Ban đầu khi biết chú Donal chỉ đang cần mình ở vị trí Contractor, mình đã có chút hụt hẫng. Phải thừa nhận như vậy, không thể nói là mình hoàn toàn vui vẻ ngay lập tức được. Nhưng khi đã bình tĩnh xem xét lại vấn đề, nghiên cứu về brand, đánh giá các cơ hội, được mất… thì mình kiên định với hướng đi lùi một bước để tiến 3 bước.
Hợp đồng Contractor của mình với Nomad kéo dài trong 6 tháng. Sau 6 tháng sẽ review và nếu hai bên ok với nhau thì mình sẽ lên full-time employee. Nhưng lắm khi mình nghĩ, mình đang không phải làm như một Contractor, vì như mình nói ở trên, Contractor thường được thuê chỉ để làm việc trong thời gian ngắn hạn thôi. Với cách mà chú Donal đang giao trách nhiệm cho mình bây giờ, thì mình không hề có cảm giác chú ấy muốn mình làm tạm thời. Chú ấy muốn mình đi sâu và là một phần của Nomad.
Nếu so sánh với các full-time offer mà mình đã nhận được, các vị trí cũng chỉ là làm dưới một quản lý nhỏ thôi. Chắc chắn sẽ không bao giờ được thử sức mình như vị trí Contractor ở Nomad.
Dù hiện tại không được hưởng các chế độ nghỉ có lương rồi được trả super như một nhân viên full-time, nhưng có sao đâu. Miễn là được làm việc mình thích, được rèn luyện bản thân mỗi ngày, được nỗ lực để tạo ra thứ gì đó và biết là sau 6 tháng sẽ có một kết quả tốt nếu bản thân không ngừng phấn đấu thì rõ ràng, lùi một bước để tiến ba bước cũng là một cái hay hơn nhiều. Đây là thời điểm để tạo đà cho bản thân để nhảy xa hơn. Nếu chọn hướng an toàn như nhiều người thường chọn thì chưa chắc đã là điều tốt.
Nếu bạn đang ở trong một tình huống như mình đã từng, đang tìm mãi chưa có vị trí full-time như ý muốn thì tại sao không thử “say yes" với các lời mời làm dạng contract hay freelance? Vừa có thu nhập, vừa để trau dồi skill, vừa chậm lại đón đợi những cơ hội tốt đến đúng thời điểm. Mình tin rằng khi bạn tìm mãi vẫn chưa có được cái bạn muốn thì đó là một tín hiệu ông Trời muốn cho bạn biết là “chưa đến lúc đâu, tu dưỡng bản thân đi đã.” Hãy lắng nghe tín hiệu đó để không bỏ lỡ những gì đang ở trước mắt bạn nha.
Nhớ là lùi một bước để tiến ba bước!
Đọc bài viết mà thấy vui theo cậu luôn. Mừng vì cậu được gặp một môi trường phát huy thêm nhiều thế mạnh tiềm năng có sẳn trong cậu. 🔥🏹
"Miễn là được làm việc mình thích, được rèn luyện bản thân mỗi ngày, được nỗ lực để tạo ra thứ gì đó và biết là sau 6 tháng sẽ có một kết quả tốt nếu bản thân không ngừng phấn đấu thì rõ ràng, lùi một bước để tiến ba bước cũng là một cái hay hơn nhiều. Đây là thời điểm để tạo đà cho bản thân để nhảy xa hơn. Nếu chọn hướng an toàn như nhiều người thường chọn thì chưa chắc đã là điều tốt." - Mình thích cái quote này quá chừng. Rất hay!