Bị phân biệt đối xử trong môi trường làm việc nước ngoài?
Trải nghiệm cá nhân của mình và cách mình không để điều này bị ảnh hưởng.
“Chị làm ở công ty nước ngoài có cảm giác bị phân biệt, khó hoà nhập không? Em cảm thấy mình không thích nghi được vì lúc nào cũng sợ. Em không hiểu đồng nghiệp đùa cái gì. Không hiểu rõ về văn hoá. Nhiều khi chẳng biết có phải họ đang nói xấu em…”
Đã từng có một bạn độc giả hỏi mình câu hỏi này. Và gần đây cũng có một bạn hỏi câu tương tự.
Để mình kể bạn nghe câu chuyện của mình. Mình hy vọng với những chia sẻ trải nghiệm cá nhân này, bạn sẽ thu được vài thứ gì đó có ích cho tình huống của bạn — hiện tại hoặc biết đâu sau này nhé.
Câu chuyện 1…
Mình sang Úc từ tháng 10 năm 2019 để học Master of Business Management, Marketing Major ở trường Central Queensland University, Sydney Campus.
Tháng 6 trước khi ra trường, mình apply vào Hello Earth Agency, một agency ở Anh có chi nhánh ở Úc. Mình đã nhận được offer, work from home, 5 ngày một tuần.
Tất cả các hoạt động đều diễn ra online, từ họp Team cho đến họp với khách hàng. Team mình có các đồng nghiệp sống ở Úc, Anh, và Ấn Độ.
Các bạn đều rất giỏi. Kể cả mấy bạn Ấn Độ, dù tiếng Anh không phải mẹ đẻ nhưng nói rất hay, rất chuẩn — nói chung từ kỹ năng cứng đến kỹ năng mềm đều vượt xa mình. So với họ, mình như con gà mới tập đi vậy — đã gà rồi lại còn mới tập đi nữa thì đã đủ thấy mình yếu ớt như thế nào rồi.
Hồi đó còn mới dấn thân sâu vào Ecommerce nên nghe hiểu các vấn đề ngành của mình rất kém. Mình cũng không có kinh nghiệm thực chiến gì ở một Brand nước ngoài. Những cái biết về Ecom thì mờ mờ ảo ảo, trên bề mặt.
Đó còn chưa kể lúc mình học Master, ngoại trừ kỳ đầu, còn lại 3 kỳ đều học online từ nhà. Cho nên, kỹ năng Speaking của mình không cải thiện được nhiều.
Túm lại cho câu chuyện dài dòng này đó là nhìn đâu mình cũng là đứa yếu kém nhất cả hội.
Thế, nhưng cái điều lạ là trong đầu mình chỉ có duy nhất một ý chí ngút ngàn đó là phải rèn luyện, học hỏi để “nâng cấp” bản thân cho kịp với đồng đội. Chứ mình không có suy nghĩ “bị phân biệt đối xử”, “bị xem thường”, “phải im lặng không được lên tiếng”, “phải chịu bất công” gì cả.
Hoặc có thể có, hoặc có thể có đồng nghiệp nghĩ khác về mình, hoặc có thể họ nói riêng với nhau mà mình không biết (vì làm online mà).
Nhưng quan trọng không? Nếu có đấy cũng là vấn đề của riêng họ.
Không phải của mình. Những cụm từ phân-biệt-đối-xử như trên chưa bao giờ tồn tại trong đầu mình. Chưa. Bao. Giờ.
Câu chuyện 2…
Đến khi mình rời Hello Earth Agency và vào làm ở một Brand về thời trang khá có tiếng ở vùng Central Coast, mình vẫn cảm thấy mình chưa thoát khỏi cảnh “yếu kém.”
Cả công ty có khoảng 10 người làm việc chính, còn lại là partner, supplier, agency…
90% đồng nghiệp và các đối tác là người Úc bản địa (da trắng) — chỉ có mình là người châu Á, người Việt.
Váy, quần áo bên mình thiết kế là “high-end”, tầng lớp có thu nhập cao. Một chiếc váy trong bộ sưu tập mới có giá thấp nhất là 300 AUD. Nói vậy để các bạn biết là Designers và sếp bên mình là tầng lớp nào rồi.
Tiệc to tiệc nhỏ ở công ty, dù chỉ là 15 phút chém gió với nhau ở văn phòng cũng luôn có champagne hoặc rượu. Đi ăn thì đi nhà hàng hạng sang, và sau đó cả team luôn vào pub hoặc bar/club.
Mình là người duy nhất trong công ty chẳng hiểu biết gì về thời trang, bohemian, ăn mặc thì bình thường, “một màu” — màu lại còn màu “quê” nữa.
Mình là người lùn nhất công ty, duy nhất da vàng.
Mình là người duy nhất không uống rượu, không bao giờ vào pub/bar/club. Mình chưa bao giờ tham gia các bữa tiệc muộn ở công ty.
Những câu đùa, những cuộc nói chuyện về fashion, lifestyle, điện ảnh, giải trí… của họ mình chỉ ngồi nghe và cười — lắm khi nghe và cười nhưng chẳng hiểu gì.
Lần này, dù hiểu biết và kinh nghiệm Ecommerce đã thu thập được kha khá rồi — do hồi làm ở Agency đã chăm chỉ tu luyện — nhưng mình vẫn thấy yếu kém nhất hội về khoản văn hóa và xì tai xì khói.
Nhưng…
… mình có cảm giác bị phân biệt đối xử, lạc loài, ngột ngạt, “bị cô lập”, “tự cô lập”, khó hoà nhập… không?
Thành thật mà nói, trước khi làm ở đó, mình đã nghĩ là mình sẽ khó hoà nhập đấy, vì công ty “Tây” quá, lại còn thời trang — đúng cái điểm trọng yếu của mình.
(Bật mí nhé, đi mùa quần áo mới là điều “cực hình” với mình vì mình không biết chọn gì để phù hợp với người mình cả. Mình rất căng thẳng với việc mua sắm.)
Nhưng khi bước vào làm ở Brand, mình lại không hề có cảm giác khó hoà nhập, bị phân biệt hay sợ cả. Mình xông pha vào công ty như thể mình đã làm ở đây từ lâu lắm, chẳng có bất cứ rào cản nào.
Thậm chí bạn General Manager từng bảo với Agency làm việc cho bọn mình là “I feel like Lavender has been with us for ages” — dù lúc đó mình mới chỉ gia nhập công ty được khoảng 2 tuần.
Đúng, một phần là vì mình có cơ hội được làm việc ở một Brand Tây mà mọi người, từ sếp tới đồng nghiệp đều thân thiện.
Nhưng (1) điều trên không hẳn là 100% đâu, vẫn có một số cá tính khác.
Nhưng (2) công ty mà như thế này thì nhiều lắm. Không thiếu gì môi trường nước ngoài chuyên nghiệp, thân thiện, tình cảm.
Việc giúp mình thích nghi nhanh chóng với môi trường và bỏ qua mọi yếu tố, dấu hiệu phân biệt đối xử đó chính là nhờ sự thay đổi trong tư duy và cách tiếp cận của mình.
Trở về thời điểm ngày xửa ngày xưa, mình cực kỳ sợ hãi. Mình hay bị tâm lý, lo lắng trong các buổi đi làm đầu tiên, thuyết trình, họp hành, làm việc môi trường mới. Nhưng sau một thời gian làm việc Freelance, trải qua nhiều thử thách làm việc với các bạn bè quốc tế, mình đã chững chạc hơn.
Mình đã tự định hình một chiến lược cho bản thân khi làm việc với người nước ngoài:
Chấp nhận mình không hiểu gì về thời trang và chấp nhận mình là người châu Á duy nhất ở công ty. Chấp nhận mình không phải người bản địa nên hiển nhiên, mình sẽ không hiểu được những câu đùa hay các câu chuyện ngoài lề của họ. Đó là sự thật, mình không thể thay đổi.
Nhưng công ty đã tuyển mình vào vị trí Ecommerce Co-ordinator và cho mình offer chỉ sau một buổi phỏng vấn, điều đó có nghĩa họ công nhận khả năng của mình. Vì thế, mình không được sợ hãi mà phải tự tin vào cái này.
Vị trí Ecom của mình sẽ tập trung vào thương mại điện tử, nên nó sẽ không bị liên quan nhiều tới việc mình có hiểu gì về thời trang hay không. Mình cũng đã nói rõ với sếp trong buổi phỏng vấn, nhưng họ vẫn đưa mình offer, chứng tỏ đây không phải rào cản. Không phải nghĩ nhiều.
Mình không uống rượu, không pub, không tiệc tùng. Mình là Christian, mình là người Việt, mình có tiêu chuẩn sống của mình nên không được ngần ngại công bố điều đó.
Hoà nhập với mọi người hay không là do mình, chứ không phải do người đối diện. Vì vậy, luôn chủ động kết nối với các bạn đồng nghiệp thông qua các công việc liên quan, ghi nhớ tên của họ, chào hỏi họ với thái độ thân thiện, tươi cười, sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp.
Làm việc với tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, nhiều năng lượng. Nỗ lực để hoàn thành những gì thuộc về vị trí của mình và không ngại thử thách. Đây mới là cái mình cần tập trung.
Không để ý, suy nghĩ quá nhiều về các tiểu tiết. Không tham gia vào các cuộc nói chuyện to nhỏ, group kín…
Quan sát mọi người để học hỏi cách hành xử, giao tiếp và thích nghi. Hòa nhập chứ không hòa tan.
Khi đồng nghiệp hiểu rõ mình không uống rượu và đến từ một nền văn hoá khác, họ không tạo bất cứ khó khăn nào cho mình. Mỗi khi họ mời, mình đều nói thẳng thắn với sự thân thiện.
Mình không ngần ngại hỗ trợ đồng nghiệp khi họ cần mình. Mình ghi nhớ tên của từng người và tương tác với họ khi cần thiết.
Mình không tập trung vào việc đồng nghiệp nghĩ gì về mình, mà mình tập trung vào cách mà mình đối xử với họ. Khi mình muốn họ đối tối với mình, mình phải làm điều đó trước.
Mình thấy vui khi đồng nghiệp gửi email bắt đầu bằng “lovely Lavender”. Hay mọi người bảo nhau là “Lavender is like a fresh air….”
Câu chuyện 3…
Công ty mình đang làm hiện tại cũng là một Brand thời trang, cũng là một Brand toàn người Tây bản địa da trắng.
(Sau khi rời công ty thời trang trước, mình đã nghĩ là sẽ không gia nhập Fashion nữa vì nó không phải thế mạnh của mình. Vậy mà “dòng đời đưa đẩy”, mình vẫn quay về với Fashion. ;)))
Lần này, thử thách của mình lại khác hơn chút.
Công ty có khoảng 9 người thì trừ sếp Tổng là đàn ông, còn lại toàn chị em phụ nữ. Đó là Brand bán sản phẩm cho phụ nữ trên 40 tuổi, phần lớn là 50-65, cho nên không lạ gì Team mình toàn “hội người lớn tuổi và gần cao tuổi”. ;))
Mà khi đã làm việc với những người ở thế hệ trước như thế này thì sở thích, mối quan tâm, cách nói chuyện… cũng sẽ khác rồi phải không? Chưa kể họ còn là Tây nữa — người (vẫn còn trẻ) Việt nói chuyện với người Việt lớn tuổi đã thấy khác, huống hồ còn là người (vẫn còn trẻ) Việt nói chuyện với người Tây lớn tuổi thì bạn sẽ thấy “lạc tông” ra sao rồi.
Một điểm khác khi mình làm ở công ty này nữa đó là mình làm việc trực tiếp với sếp Tổng cho nên mình ngồi riêng tầng trên với sếp. Còn lại cả Team ngồi tầng dưới.
Mỗi tháng Team thường ăn trưa chung cùng nhau, mua đồ về ăn, nhiều khi mình chỉ nói một vài câu từ đầu bữa đến cuối bữa. Vì mình chẳng biết nói gì cả, câu chuyện của mọi người mình không có hòa nhịp được vì mình không biết. Mình chỉ ngồi nghe và cười — khi có điều buồn cười.
Nghe đến đây, có bạn sẽ nghĩ “chị này đi làm như vậy thì tẻ nhạt nhỉ? Cảm thấy như lạc loài, bị cô lập luôn ấy…”
Hmm… không hề.
Tuy mình không nói chuyện được với những chủ đề mọi người thích, nhưng mình lại chủ động tương tác với mọi người trong công việc.
Mỗi khi xuống tầng dưới lấy nước hay đi vệ sinh hay cần support cô nào đó, mình sẽ ghé qua chào hỏi các cô khác. Đơn giản thôi chẳng cần gì nhiều, “how are you doing?”, “can I help you with anything?”, “let me know if you need me…” hoặc đôi khi là “how was your weekend?…”
Đấy là cách mình luôn áp dụng để tạo câu chuyện và thể hiện sự thân thiện của mình với mọi người. Vậy thôi à, chẳng cần gì phải to tát.
Có người rất thân thiện, có người không hẳn như vậy ở bề ngoài. Đấy là cuộc sống.
Mình luôn nhắc nhở bản thân một người có thể bề ngoài họ không tỏ ra niềm nở không nhất thiết là họ không thích nói chuyện với mình hay phân biệt đối xử với mình. Mình dặn bản thân phải nhớ rõ điều đó.
Ngay cả mình cũng có người mình niềm nở, có người mình thấy không muốn gần gũi lắm, thì huống hồ là những người khác, phải không?
We can’t judge anyone.
Final thought
Công ty mình mọi người đến công ty thường bật nhạc từ cái Speaker lớn giữa phòng (không ai đeo tai nghe riêng cả). Nhạc thì ai có playlist hay thì cứ tự do bật mọi người cùng nghe.
Mình nhớ có lần sếp bảo mình thường nghe nhạc gì thì bật lên cho mọi người nghe thử. Mình toàn nghe nhạc kiểu vui tươi, xì tin xíu cho nên mình bảo sếp là tui sợ bật mọi người không thích.
Sếp bảo mình là “If they don’t like your playlist, then it’s their problem, not your problem. Just play it.”
Đúng vậy.
Nếu bạn cứ hành xử một cách đúng đắn, hợp lý mà người khác không thích bạn, “phân biệt đối xử” với bạn thì đó là vấn đề của họ, không phải vấn đề của bạn.
Thay vì để ý quá nhiều tới những người xung quanh và lo lắng họ nghĩ gì về bạn thì:
(1) hãy chấp nhận sự thật là sẽ luôn có các rào cản giữa người bản địa và người nhập cư (văn hoá, ngôn ngữ, thế giới quan…),
(2) luôn đối xử tốt, thân thiện với mọi người,
(3) học hỏi điều hay để thích nghi nhưng sống đúng đắn với con người bạn. Đừng quá tập trung vào người khác,
(4) bạn chấp nhận một offer, một môi trường làm việc là vì bạn yêu thích công việc, bạn muốn học hỏi, tăng trưởng bản thân, muốn đóng góp tạo ra giá trị — đấy mới là mục tiêu của bạn
(5) nếu vẫn còn lơ mơ hoang mang không biết nên làm gì thì quay lại 4 điều trên.
Nếu bạn đã làm cả 5 điều trên mà không nhìn thấy sự tích cực ở môi trường hiện tại. Nếu mỗi ngày đi làm cảm thấy như “địa ngục”, cảm thấy bị người ta xem thường, miệt thị, đối xử bất công quá đáng… thì bạn có lựa chọn hoặc là nói chuyện thẳng trực tiếp với sếp hoặc là âm thầm tìm bến đỗ mới.
Suy cho cùng mọi sự đều quay về câu chuyện của sự lựa chọn và cách chúng ta phản ứng cho mỗi tình huống phải không?