Có Portfolio hay không có Portfolio, đúng hơn là làm thế nào để thực sự "show your work"?
"Một vạn câu hỏi" về Portfolio và đây là cách mình làm cũng như vài ý tưởng cho bạn. Bất kể bạn đã có kinh nghiệm hay chưa có kinh nghiệm, bạn đều hoàn có thể "show your work."
“Làm thế nào để tạo portfolio để xin việc?”
“Em có cần tạo portfolio không?”
“Mình nên tạo portfolio trên website hay dùng nền tảng nào?”
“Em thấy bây giờ marketer cần có portfolio ấy, chứ không chẳng xin được việc"?
“Em thấy công ty nước ngoài nào cũng hỏi portfolio.”
“Em mới ra trường thì không biết tạo portfolio kiểu gì?”
“Em đang muốn chuyển sang digital marketing, mà không có kinh nghiệm gì thì tạo portfolio như nào ạ?”
…
Portfolio. Portfolio. Portolio… Muôn vàn câu hỏi liên quan đến Portfolio.
Quan trọng thật… nhưng có thật là quá quan trọng như vậy không?
Portfolio là để show ra “who you are”, “what you can do” và “what you can offer” (a.k.a “what you have”), hình như nếu chưa có gì cả thì khó mà tạo Portfolio phải không?
Và khi người ta hỏi Portfolio mà mình không có thì có phải là thất bại?
Hmm… nếu đọc đến đây rồi và bạn cảm thấy hoang mang, hay những câu hỏi trên cũng chính là những cái mà mấy nay bạn cứ lăn tăn trong đầu, không biết nên tiến hay lùi, thì bài viết hôm nay có thể sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều.
Từ trải nghiệm của một người sang Úc vào năm 2019, tự định vị bản thân là Freelance Content Writer cho SaaS và Ecommerce, rồi tự mình lao vào thị trường quốc tế khi không có bất cứ một sự hướng dẫn nào, tiếp cận với những người ở vị trí Manager / Head / Director / VP ở các công ty, rồi dần dần có chỗ đứng trong nghề… rồi lại hành trình bước vào thế giới Ecom Marketers… mình sẽ chia sẻ với bạn cách mình định hình “Portfolio” cho bản thân, làm thế nào để “show your work” và khiến người ta nhìn là biết được rằng “you can do it”.
Trước khi đi vào kinh nghiệm cá nhân và tip của mình, hãy cùng điểm qua những thứ cơ bản về một Portfolio điển hình. Phần này khá nhàm nhưng mà cứ phải lướt qua chút. ;)
1. Portfolio là gì?
Career Portfolio hay nói ngắn gọn Portfolio là một cách diễn tả trực quan kinh nghiệm làm việc, kỹ năng và các thành tựu nổi bật của bạn đối với các khách hàng và nhà tuyển dụng tiềm năng. Portfolio cũng được gọi là “Work Portfolio”, “Professional Portfolio” hoặc “Job Portfolio.”
Một Portfolio điển hình chứa đựng nhiều chi tiết hơn so với lý lịch xin việc (CV) hay thư xin việc (Cover Letter). Nó có thể bao gồm trình độ học vấn, kỹ năng, thành tựu trong công việc lẫn học tập, Work Sample (dự án, bài viết, thiết kế,...), Testimonial (lời chứng, lời khen ngợi, nhận xét..)... tất cả được đóng gói trên một bản trình bày hết sức hấp dẫn.
Một Portfolio là một câu chuyện tổng thể, thú vị và trực quan về bạn; nó cho các nhà tuyển dụng tiềm năng thấy bạn có thể làm được gì. Portfolio phổ biến với các vị trí trong các lĩnh vực Marketing, Design, IT — nhưng không giới hạn với các mảng khác.
2. Mục tiêu của Portfolio là để làm gì?
Mục tiêu của Portfolio là để show cho nhà tuyển dụng thấy bạn làm được việc và bạn là người họ đang tìm kiếm.
Làm nổi bật những thành tựu liên quan nhất
Thể hiện cách bạn suy nghĩ và giải quyết vấn đề
Giúp nhà tuyển dụng tưởng tượng ra cảm giác làm việc cùng bạn sẽ như thế nào
3. Portfolio thường có những gì?
Giới thiệu bản thân: Một phần giới thiệu ngắn gọn về bạn, bao gồm thông tin cá nhân cơ bản, lĩnh vực chuyên môn, và mục tiêu nghề nghiệp. Đây là nơi bạn có thể chia sẻ câu chuyện của mình và nêu bật những gì bạn đam mê.
(Optional) Một phần ngắn gọn về quá trình học tập, kinh nghiệm làm việc và kỹ năng của bạn là cần thiết. Bạn có thể tích hợp một liên kết đến CV chi tiết hơn nếu cần.
Thành tựu, dự án nổi bật, Work Sample: Đây là phần quan trọng nhất của Portfolio và cũng là phần khiến phần lớn chúng ta đau đầu nhất. Bao gồm các dự án tiêu biểu, sản phẩm bạn đã hoàn thành hoặc những thành tựu nổi bật đã đạt được. Nó có thể có hình ảnh, video đường link đến các sản phẩm/tài liệu liên quan…
Testimonial: Các lời nhận xét từ khách hàng, đồng nghiệp, hoặc người quản lý về chất lượng công việc và phong cách làm việc của bạn. Đây là bằng chứng thực tế và có giá trị cao, giúp xây dựng sự tin tưởng.
Chứng chỉ, giải thưởng, kỹ năng: Liệt kê các kỹ năng chuyên môn, phần mềm, công cụ mà bạn thông thạo. Nếu bạn có các chứng chỉ và giải thưởng liên quan thì càng tốt.
Thông tin liên hệ: Cách mà người ta có thể liên lạc với bạn, bao gồm email, số điện thoại, và các mạng xã hội chuyên nghiệp như LinkedIn.
Đây là một Portfolio điển hình từ Sarah McCain. Bạn có thể thấy mọi thứ trên Website của cô ấy đều hết sức chuyên nghiệp, từ hình ảnh đến câu từ sử dụng.
4. Tạo Portfolio ở đâu?
Một cách tạo Portfolio phổ biến đó là tạo trên Website. Chọn nền tảng nào thì tùy thuộc vào sở thích của bạn. WordPress, Wix, Squarespace, Canva, Notion… you choose!
Website hiện tại mà mình đang sử dụng để showcase bản thân được host trên Wix:
Đến đây, một câu hỏi mà mình chắc chắn nhiều bạn sẽ có trong đầu đó là “em không có cái gì thì show cái gì?” Hay nói cách khác em kiếm đâu ra Work Sample/Project để mà show khi em chưa đạt được gì hay chưa có kinh nghiệm gì?
Bình tĩnh, mình hiểu nha. Giờ đến phần câu chuyện bản thân mình. Cứ đọc tiếp bạn sẽ tìm ra câu trả lời.
Cách mình tiếp cận “Portfolio” khi bắt đầu làm Freelance Content Writer
Đầu tiên, mình chính thức mở Freelance Business của mình và đầu tư tâm sức vào mảng này từ tháng 12 năm 2019, 2 tháng sau khi mình sang Úc.
Vì vừa học thạc sĩ vừa làm Freelance nên mình không có nhiều thời gian. Mình chỉ có thể tranh thủ những lúc không phải lên trường, buổi tối, lúc rảnh rỗi để tìm hiểu. Mình mất hơn 1 tháng để đọc, lang thang hết Website rồi cộng đồng này đến cộng đồng khác để nghiên cứu về nghề, và xác định mình cần làm gì. Phương pháp tìm khách hàng mình thấy hiệu quả nhất với bản thân mình đó chính là Cold Pitch.
Sau hơn 2 tháng rong ruổi Cold Pitch và rất nhiều đêm căng thẳng, mệt mỏi, mình đã có khách hàng SaaS đầu tiên vào ngày 6/2/2020. Đó chính là Leadpages.
Chị Director of Marketing bên Leadpages giao cho mình hai bài viết, 1 bài 3000 từ với phí là 600 USD. Một bài khác ngắn gọn hơn, mang tính chỉnh sửa, hơn 1000 từ, với phí là 250 USD.
Đúng như luật hấp dẫn, hơn 1 tuần sau đó, chị Phương Anh là sếp cũ ở Beeketing công ty mình làm trước khi chuyển sang Úc, liên lạc với mình hỏi có thể giúp chị viết một ebook về Shopify. Mình đồng ý. Chị trả phí cho mình là 2500 USD. Như vậy, chỉ trong tháng đầu tiên mình đã có hai khách hàng với tổng thu nhập là 3350 USD.
Ý lớn ở đây là mình đã làm gì để tiếp cận chị Director của Leadpages? Làm sao mà mình đã có thể thuyết phục chị ấy?
Kể bạn nghe, hồi trước khi sang Úc, mình có làm ở Beeketing, Atomi Systems, và Cốc Cốc, là 3 công ty mà cho mình cơ hội được viết Content bằng tiếng Anh.
Ở Atomi Systems, mình viết Content về phần mềm làm video cho Elearning. Ở Cốc Cốc thì viết Technical Content cho Help Center. Ở Beeketing — mình làm ở đây từ đầu năm 2019 — cho mình cơ hội bước vào thương mại điện tử, Shopify Apps, rồi sau đó là Dropshipping và Print On Demand. Mình phụ trách mảng Content. Mình viết nội dung tiếng Anh nhưng chỉ đăng trên Blog nội bộ công ty là Beeketing và ShopBase mà thôi.
Hồi đó, Gymshark Case Study là bài mình viết thành công nhất. Bài đó mình dành cả tuần để nghiên cứu Brand, hết trang này đến trang khác, và sau khi viết xong, cũng chịu khó đi share trên các Facebook Group của Shopify Merchants. Một thời gian khá dài, bài Gymshark này là Top 1 trên Google, rồi được nhiều trang uy tín khác dẫn link tới nữa.
Bây giờ trên ShopBase vẫn còn bài Gymshark Case Study này, nhưng tiếc là Format đã bị "vỡ", hình ảnh không hiển thị, không ai cập nhật. Mình đoán là do chuyển từ Beeketing sang ShopBase.
Khi mình bắt đầu làm Freelance, mình “vin” vào bài Gymshark và những Content mình đã viết để làm “Portfolio” cho bản thân. Lần nào có khách hàng Freelance mới và có bài viết được đăng, mình lại cập nhật link trên trang Portfolio này.
Website này không còn nữa. Mình dừng làm Freelance Content nên đã gỡ nó. Cái bạn đang nhìn thấy là bản retrieve website cũ qua The Wayback Machine.
Như bạn có thể thấy ngoại trừ một số bài viết đầu là các bài viết cho các khách hàng Freelance mới, còn lại đều là các bài viết cho công ty Việt Nam.
Khi mình viết Email Cold Pitch tới khách hàng, dưới đây là cách mình thể hiện. Mình gắn 3 link vào 3 bài viết mình tự tin nhất, và một link khác vào trang Portfolio trên Website.
Đối với trang About Us, mình thể hiện bản thân như thế này:
Bạn thấy gì ở đây?
Website của mình cực kỳ đơn giản, chẳng có gì gọi là “ấn tượng.” Portfolio của mình không có gì thực sự nổi bật, đặc biệt; cũng chỉ là viết cho mấy trang Việt Nam là chính. Phần About Us hết sức cá nhân, thẳng thắn. Mình nói rõ là mình có được các vị trí làm trước đây từ chỗ chẳng có kinh nghiệm gì, cũng chẳng có bằng cấp gì về Technical Writing, Content Writing, hay Marketing. (Thậm chí còn viết sai chính tả ở chỗ “+60 per week” (đúng ra là +60 hours per week).)
Mình show ra cái bản thân mình thực sự có, đã có, và có thể làm được. Mình không màu mè, không “nổ” và cũng không che giấu gì cả.
Vậy có thành công không? Có chứ, mình đã có khách hàng đầu tiên là Leadpages ở trên.
Khi bạn đã có các khách hàng hài lòng và họ tin tưởng để tiếp tục hợp tác với bạn thì cảm giác tự tin, biết mình có khả năng và năng lượng sẽ lên cao chọc trời. Nhưng ngặt nỗi thời gian năm 2020 mình đang học năm đầu tiên nên vẫn không thể “all in” cho công việc Freelance được. Mình chỉ có thể tranh thủ vào những buổi tối hoặc cuối tuần ít bài để tìm khách hàng. Cũng không dám nhận nhiều chủ đề vì sợ ảnh hưởng việc học.
Tổng kết năm 2020, mình có thu nhập từ freelance là 50.248 USD, đồng thời đạt High Distinction cho ⅞ môn học. Nhờ có khoản thu nhập này, mình cũng trả hết các khoản tiền đi vay để đi du học. Chính thức không còn nợ nần gì cả!
Sang năm 2021, cách tiếp cận của mình với Portfolio và Cold Pitch cũng không có gì thay đổi lớn. Như Email dưới đây được gửi vào tháng 6 năm 2021, mình vẫn dẫn link vào các bài nổi bật.
Có hai cái mới mẻ đó là mình cập nhật chữ ký dưới Email cho chuyên nghiệp hơn. Có dẫn link để “view my portfolio.” Một điều khác nữa là mình bắt đầu viết trên Medium, mục đích là để luyện viết và có thêm bài sử dụng làm Work Sample. Khi không có nhiều khách hàng vào một thời điểm thì mình buộc phải tự tạo ra cơ hội cho bản thân — vừa để rèn luyện kiến thức, kỹ năng vừa có link mới đưa vào Portfolio và show ra khi Cold Pitch. Bạn lưu ý, nếu như toàn dẫn Sample quá cũ thì có thể là điểm bất lợi. Chẳng hạn, bây giờ đã là năm 2024 mà Sample vẫn từ năm 2022 thì không được ấn tượng lắm phải không?
Trong năm 2021, mình may mắn được hợp tác với nhiều khách hàng sẵn sàng chi mạnh tay, như Insider và Zoovu. Zoovu còn trả cho mình 2000 USD cho 1 bài viết 3000 từ, so sánh với hồi mình mới bắt đầu, Leadpages chỉ trả mình 600 USD cũng cho 1 bài viết 3000 từ. Bạn thấy đấy, khi kỹ năng bạn lên cao và bạn có kinh nghiệm rồi thì đàm phán với khách hàng sẽ tự tin hơn rất nhiều!
Tổng lại trong năm 2021, thu nhập từ viết Content Part-time của mình là 74.763 USD.
Từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2022 mình phải thực tập 5 tiếng một ngày trong 3 ngày, vừa hoàn thành 2 môn học cuối và viết luận văn.
Đến tháng 6 năm đó, mình bắt đầu làm Fulltime với vị trí Digital Marketing Executive và sau đó là Email Marketing Specialist nên thời gian không có nhiều nữa. Đây là mảng mới, mình gần như phải dành ít nhất 10 tiếng mỗi ngày để học và trau dồi kiến thức.
Tuy không có nhiều thời gian nhưng mình vẫn cố gắng duy trì Freelance đều đặn. Phần lớn thu nhập Freelance của mình là đến từ các Retainer — những khách hàng lâu năm mà mình đã viết cho họ nhiều lần trước đó. Các khách hàng này bao gồm Revenue Grid, Gorgias, Salsify, Zoovu, và Insider. Mình hạn chế tìm khách hàng mới vì số bài mà các Retainer gửi đến đã ngốn hết thời gian trống của mình rồi.
Cách tiếp cận với “show your work” của mình có gì đổi không? Vẫn đơn giản. Chỉ có điều trong Email, mình không còn dẫn Link bài viết nữa. Thay vào đó, mình Link thẳng sang Blog của Salsify, nơi mà mình đã có nhiều bài viết trên đó.
Đây chính là các bài viết của mình trên Salsify:
Cách mình tiếp cận Portfolio khi là một Email Marketing Specialist
Khi mình xác định sẽ rời Hello Earth Agency để tìm một bến đỗ mới, mình biết là với các vị trí liên quan đến Email Marketing nói riêng, và Ecommerce Marketing nói chung, nếu muốn thể hiện năng lực liên quan đến Email, mình cũng cần phải có “Work Sample.”
Hiển nhiên, mình không thể nào chụp màn hình Performance trên Klaviyo của Brand đã làm ở Agency được. Nhưng cái mình có thể làm đó là chụp lại các Email mà mình đã viết Copy và / hoặc thiết kế.
Mình show ra các Work Sample này như thế nào? Rất đơn giản, mình chụp màn hình rồi upload lên một Folder trên Google Drive. Mình đặt tên Folder là Lavender Nguyen_Email Template Portfolio.