Kinh nghiệm tự học tiếng Anh của mình, trải nghiệm thi PTE, và vài ghi chú cho bạn.
Đừng chỉ dừng lại ở học tiếng Anh, mà hãy thưởng thức tiếng Anh.
Những ngày này phần lớn chúng ta đều bận rộn với việc lên kế hoạch và mục tiêu cho năm 2025 phải không? Nào là cần phải đạt được cái gì và cần phải làm gì về mọi mặt trong cuộc sống, nhất là sự nghiệp. Nào là phải học gì, đọc gì, nghe gì, đi đâu, tham gia gì… để tăng kỹ năng cứng lẫn kỹ năng mềm và cả tiếng Anh nữa.
Do vậy mình quyết định trong 4 bài viết cuối cùng của năm 2024, mình sẽ dành 3 bài để nói về những điểm quan trọng sẽ hữu ích cho việc xây dựng sự nghiệp Digital Marketing trong năm 2025, đặc biệt nếu bạn muốn hướng đến làm việc ở thị trường nước ngoài, bao gồm:
Kỹ năng tiếng Anh
Tất cả những chủ đề này mình đã kinh qua cực kỳ nhiều, kinh nghiệm có thể nói là nhiều lắm luôn. Cho nên mình hy vọng sẽ có ích cho bạn nhé.
Bài viết hôm nay sẽ là về kỹ năng tiếng Anh, mình đã học tập và rèn luyện nó như thế nào, từ quá khứ đến hiện tại. Thực ra mình đã nói về chủ đề này nhiều lần rồi, từ lúc trên blog Form Your Soul cho đến Newsletter cũ rồi Fanpage cũ và giờ là Newsletter Tự Học Marketing Cùng Mình. Thành ra phần lớn những gì mình chia sẻ dưới đây sẽ là sự nhắc lại những gì mình đã kể từ trước.
Bạn nào theo dõi mình từ lâu nếu cảm thấy đã đọc đâu đó rồi thì đúng là vậy đấy. Mình tập hợp những kinh nghiệm cá nhân trong một bài này, nhân dịp cuối năm này, đúng thời điểm chúng ta đang nhìn lại một năm qua làm được gì, chưa làm được gì và đặt ra hành trang cho năm mới. Hy vọng trải nghiệm tự học tiếng Anh của mình sẽ truyền cảm hứng, động lực và có chút gì đó thực tế cho bạn áp dụng.
Có gì trong bài viết:
Bạn cần cái gì đó lớn hơn để làm động lực học tiếng Anh, chứ không phải chỉ là mục tiêu bạn đang nghĩ trong đầu.
Học tiếng Anh cũng giống như khi bạn “say nắng” một người.
Học tiếng Anh nên là một hành trình, chứ không phải là đích.
Yêu thích tiếng Anh chính là khởi đầu vững chắc để học tiếng Anh tốt.
Trải nghiệm thi PTE để chuẩn bị cho apply visa 491 tạm trú Úc: Mình đã đạt chứng chỉ tiếng Anh PTE 89/90 sau hai lần trượt như thế nào?
“Em nói tiếng Anh không hay còn ấp úng thì em có xin được việc làm ở nước ngoài không? Người nước ngoài ai thuê em!”
Mình muốn nhấn mạnh rằng khả năng tiếng Anh của mình bây giờ — nghe, nói, đọc, viết — tất cả đều là tự học hoàn toàn. Xuất phát điểm của mình cũng là “mù chữ” tiếng Anh, con nhà nông dân, cho nên đừng nghĩ mình có nền tảng gì này kia, con nhà có điều kiện tiếp xúc tiếng Anh từ sớm rồi bẩm sinh ngoại ngữ — không có đâu nha.
1. Bạn cần cái gì đó lớn hơn để làm động lực học tiếng Anh, chứ không phải chỉ là mục tiêu bạn đang nghĩ trong đầu.
Theo mình phổ biến chúng ta muốn học tiếng Anh vì một hoặc nhiều trong số các lý do sau:
Giao tiếp được với người nước ngoài
Có IELTS, TOEIC, TOEFL cao để đi du học
Có IELTS, TOEIC cao để đi xin việc
Tìm kiếm cơ hội làm việc ở các công ty nước ngoài
Để khi nào đi ra Hồ Tây Hồ Gươm… lỡ gặp người nước ngoài còn biết nói chuyện ;)
Để coi phim không cần phụ đề tiếng Việt ;)
Vì tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế rồi, không học không được
Học để sau này còn dạy cho con, dù chỉ một chút
Thấy chúng bạn học nên bản thân cũng phải học
Cứ học đã, chưa có mục đích cụ thể, biết sau này lại cần
Đơn giản là vì thích tiếng Anh
Những lý do này hoàn toàn hợp lý và đúng đắn. Mỗi người cũng sẽ có những mục đích khác nhau cho việc học tiếng Anh nữa.
Thời gian đầu quyết tâm học tiếng Anh mình cũng có hầu hết những mục tiêu trên. Mình tin tưởng khi tiếng Anh tốt thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn một chút nên cố gắng rèn luyện.
Tuy nhiên, khi đã trải qua việc học tiếng Anh, làm Freelance viết Content cho các công ty nước ngoài, rồi làm việc trực tiếp với các Editor, Writer người Mỹ, Anh, Úc…, hơn 5 năm sống ở Úc, và hơn 3 năm làm việc cho các công ty Tây bên này, mình nhận ra rằng để có thể học tiếng Anh rồi sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên, không bị áp lực hay nhàm chán thì chúng ta cần vượt ra khỏi các mục tiêu như đã kể ở trên. Hay nói cách khác, bạn cần cái gì đó khác trước khi nghĩ tới việc sẽ chinh phục được tiếng Anh và đạt được mục tiêu mà bạn đã đặt ra.
2. Học tiếng Anh cũng giống như khi bạn “say nắng” một người
Chúng ta cần phải thực sự YÊU tiếng Anh và hào hứng với nó. Điều này cũng áp dụng cho việc học tất cả các ngoại ngữ khác. Bạn phải YÊU nó, hào hứng với nó thì bạn mới duy trì được động lực học vững chắc.
Vì sao lại như vậy?
Thử tưởng tượng nhé: Khi bạn yêu một người, bạn thích nói chuyện với họ, thích gặp họ rồi cùng họ đi chơi. Nghe tiếng họ hay nhìn thấy họ thôi cũng đủ làm bạn xao xuyến và xốn xang trong lòng. Một ngày được ở cạnh họ là bạn thấy mình có thêm năng lượng, đầy sức sống. Bạn muốn những điều tốt nhất đến với người đó và luôn cố gắng hết sức mình để họ vui. Càng có nhiều thời gian bên cạnh họ, bạn càng mừng rỡ. Tất cả những cảm xúc này xuất phát từ trong lòng bạn, từ bên trong bạn, chứ không phải từ bên ngoài.