Dự định nhảy việc? 3 lời khuyên của mình nếu bạn đang cân nhắc tìm việc mới
Làm 3 việc này đã rồi hãy đưa ra quyết định nghỉ việc nha.
Kinh tế biến động, thị trường việc làm nhiều thay đổi — tình hình này đang diễn ra gần như khắp mọi nơi, không chỉ ở Việt Nam đâu mà bên Úc cũng thế.
Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, tính toán kỹ hơn cho việc mua sắm. Vì thế, các công ty cũng làm ăn khó hơn trong khi cạnh tranh ngày càng gay gắt. Nhiều doanh nghiệp buộc phải để nhân viên nghỉ việc hoặc cắt giảm các chế độ này kia, khiến nhiều bạn có xu hướng muốn nhảy việc và tìm việc khác.
Nhưng mà thực sự có dễ không? Không dễ nhé. Đó có phải là lựa chọn sáng suốt không? Chưa chắc. Bởi vì không ai biết được nghỉ việc hiện tại thì bạn sẽ tìm được việc tốt hơn. Hay nghỉ việc hiện tại thì sẽ nhanh chóng tìm được việc khác hay phải mất rất nhiều thời gian thì mới tìm được.
Nói thế, mình không có ý muốn bạn dập tắt ý nghĩ đi tìm bến đỗ mới tốt đẹp hơn, phù hợp hơn với chính bạn. Ngược lại, mình luôn khuyến khích bạn làm điều đó. Nếu như chỗ hiện tại mà tù túng quá, khiến bạn mỗi ngày đi làm như ách đeo vào vai, không tìm thấy niềm vui, năng lượng thì chắc chắn nhảy việc là điều đáng cân nhắc.
Tuy nhiên, mình có vài lời khuyên và ý tưởng như thế này cho bạn, dựa trên hơn chục năm đi làm của mình với rất nhiều cung bậc thăng trầm trong công việc + những gì mình quan sát được trên thị trường tuyển dụng.
1. Dành thời gian suy nghĩ thật kỹ về công việc hiện tại bạn đang làm
Đi làm, dù bất cứ công việc nào hay bất cứ nơi đâu, đều sẽ có lúc này lúc kia. Không một ai đi làm mà không bao giờ trải qua những lúc buồn, vui, thăng hoa, mệt mỏi, làm việc hiệu quả, không tập trung, được sếp khen, bị sếp phê bình, mọi thứ thuận buồm hay không xuôi… Ai cũng trải qua hết.
Thế nên, khi bạn đang có cảm giác công việc mình cứ trì trệ thì đừng quá vội vàng nghĩ “người khác công việc lúc nào cũng tốt, mình đi làm thì chẳng thấy vui gì, công việc chán ngắt hay công ty đó tốt hơn công ty mình đang làm.” Đây là suy nghĩ khá nguy hiểm, nếu không nói là cực kỳ nguy hiểm, vì nó dễ đưa chúng ta vào tình trạng suy nghĩ “cỏ bên nhà kia xanh hơn” hay “đứng núi này trông núi nọ.”
Thay vào đó, mình khuyên bạn dành thời gian suy xét lại quãng thời gian bạn làm ở công ty. Viết ra giấy hoặc tạo file trên một ứng dụng nào đó bạn thích, liệt kê ra trách nhiệm của bạn, các mục tiêu bạn được giao, bạn đã làm được gì, chưa làm được gì, điểm mạnh, điểm yếu, thách thức, cơ hội của bạn ở chỗ làm, rồi lương lậu, đãi ngộ. Nên viết ra cả những điều không liên quan đến công việc làm bạn vui, không vui nữa. Đồng nghiệp thân thiện, hay giúp đỡ cũng ghi ra hết. Bởi vì tất cả các thành tố này đều đóng góp vào cảm giác hài lòng tại công ty của bạn.
Sau khi đã liệt kê ra hết thì cần thành thực với bản thân về việc những điều không vui là do bạn hay do tác nhân bên ngoài. Liệu có cái nào có thể sửa chữa, cải thiện. Liệu nếu bạn học thêm thứ gì đó thì có thể giúp bạn làm việc tốt hơn và có cơ hội thăng tiến. Liệu đề xuất sếp cho bạn thử thách mảng mới có làm bạn lấy lại niềm vui khi đi làm…
Càng làm rõ những điểm này bao nhiêu thì bạn càng thấy rõ bức tranh về công việc hiện tại của mình. Và càng dễ đưa ra quyết định liệu bạn có nên tiếp tục ở lại công ty hay nghỉ việc.
2. Tìm hiểu thật kỹ về thị trường tuyển dụng và sự phát triển của lĩnh vực bạn đang có chuyên môn
Ở đây có hai ý.
Thứ nhất, bạn cần nắm rõ sự phát triển của lĩnh vực bạn đang có kinh nghiệm.
Chẳng hạn, nếu bạn đang làm ở vị trí kế toán cho một công ty du lịch, bạn nên dành thời gian nghiên cứu và tìm hiểu xem mảng du lịch có đang bị đi xuống, ảnh hưởng bởi yếu tố nào. Trong một hai năm nữa liệu nó sẽ ra sao? Nếu công ty bạn kinh doanh du lịch nội địa, doanh thu có thể đi xuống, nhưng nếu bạn chuyển sang một công ty du lịch quốc tế thì mảng đó có ổn không? Hay vẫn bị tác động mạnh bởi khủng hoảng…
Thứ hai, bạn cần nắm rõ thị trường tuyển dụng của lĩnh vực đó nữa.
Vì sao? Vì việc vị trí bạn đang làm được tuyển nhiều hay tuyển ít nói lên nhu cầu cần người của các công ty. Nếu chẳng ai tuyển thì rõ ràng là các công ty đang cực kỳ khó khăn. Nếu tuyển nhiều mà lại toàn đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm thì chứng tỏ là các công ty đó có lẽ có quy trình tuyển dụng cực kỳ chặt. Họ cũng săn đón những người thực sự làm được việc chứ không tuyển đại trà.
Mình cũng khuyên bạn để ý tới nội dung tuyển dụng, xem thử họ có đòi hỏi các Skill nào mới không? Ví dụ, phải biết tạo content trên TikTok, làm podcast, làm Video… Nếu mà có nhiều cái mới thì nghĩa là các công ty đang bắt đầu thích nghi với sự thay đổi và xu hướng mới, đòi hỏi chính bạn cũng buộc phải học cách thích nghi.
3. Nếu chưa sẵn sàng nhảy việc thì đừng vội, hãy tập trung “tu luyện” bản thân và “chờ thời”
Đây luôn là kim chỉ nam và tâm thế của mình. Tu luyện rồi chờ thời, không vội vã.
Khi cánh còn non, sức khoẻ còn yếu thì đừng có ra gió, đừng có vội vàng xông pha. Vì nếu làm thế chỉ cần gió quật một cái là bạn ngã ngay, chưa kể ngã đau nữa.
Cuộc sống không thiếu gì cơ hội nhưng cơ hội tốt và vững thì chỉ dành cho những người mà thực sự phù hợp với nó. Bạn muốn nhảy thì hàng trăm người khác cũng muốn nhảy. Bạn muốn vào công ty đó, có được vị trí đó thì có khi vài chục người khác cũng đang nhắm tới cùng một đích như bạn. Đó còn chưa kể thế hệ trẻ Gen Z và sau này nữa càng ngày càng năng động, thông minh, sáng tạo, tự tin. Bạn muốn vượt qua được các đối thủ đó và kiếm được công việc mơ ước thì bạn phải thực sự xuất sắc và nổi bật.
Vậy nên, thay vì suốt ngày đi làm về là kêu ca phàn nàn về chỗ làm hiện tại, luôn mơ tưởng về một công việc “ngon” hơn, lương cao hơn, sếp thân thiện hơn, hay công việc “nhàn” hơn thì bình tĩnh lại và tập trung rèn luyện bản thân.
Học ngoại ngữ, tiếng Anh hay bất cứ thứ tiếng nào mà có ích cho công việc và sự phát triển của bạn.
Đọc sách, nghe podcast, đọc tin tức liên quan, học thêm chuyên ngành, bất cứ thứ gì mà làm tăng hiểu biết chuyên môn của bạn.
Kết nối online/offline với cộng đồng những người cùng lĩnh vực, mở rộng mạng lưới mối quan hệ.
Xây dựng Website, tận dụng Internet để chia sẻ kiến thức bạn học được cho người khác và làm thương hiệu cá nhân.
Nuôi dưỡng kỷ luật, sự tập trung, thay đổi mindset từ tư duy cố định sang tăng trưởng, đón nhận mọi góp ý mang tính xây dựng, quyết tâm thay đổi theo hướng tích cực từ việc nhỏ.
Lập Profile trên LinkedIn, kết nối với các nhà tuyển dụng, theo dõi thị trường và chuẩn bị hồ sơ sẵn sàng để thấy cơ hội đến là nắm lấy.
….
Biến động kinh tế và thị trường việc làm là điều rất đáng lo. Nhưng đừng để nó kiểm soát cảm xúc và hành động của bạn. Bình tĩnh lại, đánh giá bên trong bên ngoài và vạch ra chiến lược cho bản thân mình. Biết người biết ta trăm trận trăm thắng. Đừng đưa ra quyết định đổi việc vội vàng vì nó chưa hẳn đã là sự lựa chọn đúng đắn ngay bây giờ cho bạn đâu nha!