Boost Corner #3: Làm thế nào để "grow" Marketing Skills và Career?
Bạn có đang làm những điều này không?
Sáng nay mình dậy từ 6h, tai đeo nghe Kinh Thánh trong lúc dọn dẹp nhà cửa. Làm việc liến thoắng để kịp 9h vào cuộc Meeting với sếp và một bên Agency mới. Agency này chuyên về CRO (Conversion Rate Optimisation), đang làm việc với hơn 600 thương hiệu lớn trong giới Ecommerce. Trong Call có 4 người: bạn Founder của Agency, 1 Account Manager, sếp mình, và mình.
Bạn Founder dẫn dắt câu chuyện, chia sẻ rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm làm việc với Fashion Brand rồi CRO. Mình vừa nghe vừa miên man suy nghĩ: “Wow, 4 năm trước mình có bao giờ tưởng tượng sẽ có ngày mình được ngồi nghe những điều cao siêu thế này đâu. Vậy mà giờ đây mình không chỉ được nghe, mà còn có mặt trong Room như này để đàm phán, thảo luận với những con người như vậy.” Sếp mình còn quay sang hỏi mình có gì cần bổ sung không, hay có mong đợi gì không. Nghĩ đến đó tự dưng thấy mọi thứ thật bất ngờ, cuộc sống đúng là không thể lường trước được!
Những khoảnh khắc như vậy càng làm mình thêm động lực, chỉ cần không ngừng cố gắng và học hỏi, thì những điều mình tưởng như không bao giờ với tới lại có thể xảy ra một cách tự nhiên nhất.
Câu hỏi đặt ra là cố gắng như nào, học hỏi như nào, phải không?
Tối qua mình đọc được một bài chia sẻ rất hay từ Dave Gerhardt, là một Expert trong lĩnh vực B2B Marketing. Thật sự vui và háo hức viết Boost Corner này gửi đến các bạn bởi vì những gì Dave chia sẻ cũng chính là những gì mình đã và đang thực hiện:
Để mình giúp bạn hiểu rõ hơn:
1. Nắm giữ một con số liên kết trực tiếp đến doanh thu.
Như mình đã từng chia sẻ trong một bài viết, Marketer bây giờ phải hiểu về Finance, ít nhất là phải biết cách gắn chặt từng ý tưởng Marketing tới Revenue và Profit. Sếp bạn chỉ quan tâm tới hai cái này, cho nên nếu muốn được sếp “trọng dụng” và tin tưởng thì bạn phải nói theo ngôn ngữ của sếp.
“Ôi không chị ơi, em chỉ chuyên về Content, Creative các kiểu thôi…” Okay, không vấn đề gì. Nhưng hãy chuẩn bị tinh thần nếu một ngày đồng nghiệp của bạn vừa giỏi Content, vừa sáng tạo không kém, lại biết cách liên kết mọi thứ với kết quả kinh doanh. Và rồi bạn sẽ thấy họ được sếp quý, được tin tưởng hơn, trong khi bạn vẫn đang loay hoay mãi ở vị trí của một “Average Marketer”. Đừng ngạc nhiên nhé!
Nếu bạn không chịu mở rộng hiểu biết về các khía cạnh khác của Business, đặc biệt là tài chính, bạn sẽ mãi chỉ dừng lại ở một mức trung bình. Còn nếu bạn chịu học hỏi và hiểu cách mỗi chiến dịch của mình tạo ra giá trị cụ thể cho công ty, con đường sự nghiệp của bạn sẽ rộng mở hơn rất nhiều.
2. Giải quyết vấn đề — ngay cả khi bạn không phải là người bắt đầu.
Mình đã từng nhấn mạnh Marketers là Problem Solvers, chứ không phải là Problem Creators.
Các vấn đề liên quan đến Marketing xuất hiện và tồn tại dưới rất rất nhiều hình dạng, nó có thể là không có đơn hàng, doanh thu giảm, tương tác giảm, khách hàng phàn nàn, chạy quảng cáo không hiệu quả, tốn quá nhiều tiền, đối thủ ra sản phẩm mới, lãi suất tăng, Platform cập nhật, các chính sách bảo mật… Tuy nhiên không phải lúc nào một vấn đề Marketing nổi lên cũng là một mối đe doạ. Đôi khi nó đơn giản chỉ là một cơ hội để Marketer xem xét lại các hoạt động hiện tại và phân tích để tìm ra một lối đi mới/chiến lược thích nghi phù hợp nhất.
Bạn không thể tách Problem Solving ra khỏi Marketing được. Không một Marketer giỏi nào mà không phải là một Problem Solver. Ngược lại, họ chủ động tìm kiếm vấn đề và giải quyết nó. Họ đắm mình vào quá trình này mỗi ngày.
Chú ý là cũng đừng chỉ đợi khi có ai đó yêu cầu bạn mới bắt tay vào làm. Nếu thấy vấn đề, nên chủ động xắn tay giải quyết, dù bạn không phải là người gây ra nó. Chưa nói gì sâu xa, chưa cần được ai công nhận, để ý, nhưng hành động đó cũng đã giúp bạn rèn luyện và phát triển kỹ năng cứng lẫn mềm rồi.
3. Manage Up — làm được càng nhiều công việc của sếp càng tốt.
Sếp của bạn cực kỳ bận rộn. Họ không có thời gian để cầm tay chỉ việc cho bạn mọi lúc mọi nơi. Họ cũng không có thời gian để ý từng chi tiết nhỏ bạn nói. Thành ra, họ sẽ rất trân trọng nếu bạn sẵn sàng đứng ra dẫn đầu, tiên phong về các ý tưởng, thực thi, và báo cáo. Thẳng thắn trong trình bày với sếp, thể hiện bạn hiểu sếp mong đợi điều gì và điều hướng cuộc nói chuyện của bạn với họ theo cách mà giúp họ có thể nhanh chóng đưa ra quyết định, phản hồi.
Một nguyên tắc của mình: Không bao giờ trình bày báo cáo hay ý tưởng một cách cộc lốc, hay nói cách khác nói mà không có cơ sở. Mình luôn đưa ra data, rationale, hay logic để back up cho idea/suy nghĩ của mình. Bạn có thể đọc thêm về Framework của mình qua Note dưới đây:
Hiển nhiên, bạn không cần phải có câu trả lời cho mọi thứ — không ai đủ khôn ngoan để biết tuốt. Nhưng một khi bạn đã có ý tưởng, ít nhất bạn phải dành thời gian làm rõ lý do vì sao bạn lại nghĩ ý tưởng đó là khả thi cho Business. Liệt kê ra các câu hỏi mà sếp có thể hỏi để chuẩn bị thật kỹ và soạn một Email hoặc một Document thật rõ ràng rồi mới gửi sếp. Ngay cả khi sếp hỏi bạn một vấn đề hay tham khảo ý tưởng của bạn cũng vậy. Đừng chỉ trả lời yes hoặc no. Hãy cho họ thấy “thought process” của bạn — càng làm như vậy họ càng tin tưởng vào sự đánh giá của bạn và bạn sẽ trở thành người “cố vấn” chọ họ bất cứ lúc nào họ cần.
4. Internal Marketing — tức là biết cách khiến mọi người trong công ty chú ý và tôn trọng ý kiến của bạn.
Chú ý ở đây không phải là bạn trở nên nổi bật hay khoe khoang đâu, mà là biết cách truyền tải vấn đề và thông điệp tới đúng những phòng ban liên quan, sao cho họ hiểu và quan tâm.
Bạn đã bao giờ gặp trường hợp mình đưa ra ý tưởng với team Customer Service, Sales, hay HR... mà họ chẳng mảy may để ý hoặc không hề phản hồi? Nếu đã gặp phải, thì rất có thể bạn đang còn yếu ở kỹ năng Internal Marketing.
Khi bạn không biết cách trình bày ý tưởng sao cho thuyết phục và phù hợp với ngữ cảnh của từng bộ phận, dù ý tưởng có hay đến mấy, bạn cũng khó được lắng nghe.
Lý do một phần có thể là vì bạn chưa thực sự hiểu góc nhìn của các phòng ban khác. Họ không phải là dân chuyên về Marketing như bạn, họ có cách nghĩ và quan tâm đến những điều khác biệt.
Cho nên, nếu bạn không làm rõ được những gì họ cần hiểu, hoặc không gắn thông điệp của mình với mục tiêu chung của công ty hay những gì liên quan đến phòng ban của họ, thì họ sẽ chẳng thấy hứng thú.
5. Biết cách hoàn thành công việc.
Không có ngân sách? Không có kinh nghiệm nhiều? Chưa làm bao giờ? Vấn đề quá mới? Cần thêm thời gian? Quan trọng là bạn không từ bỏ, tìm kiếm sự giúp đỡ, nỗ lực xoay xở và hoàn thành công việc nha.
6. Nhìn thấy vấn đề trước khi chúng xảy ra và lập kế hoạch để xử lý.
Là một Marketer, bạn nên có đôi mắt quan sát nhạy bén, biết dự đoán và phòng ngừa các vấn đề trước khi chúng thực sự trở thành chuyện lớn. Nếu bạn có khả năng thấy trước những điều mà người khác không nhận ra, và nhanh chóng đề xuất giải pháp hoặc hành động ngay, thì bạn sẽ trở thành người cực kỳ giá trị trong Team.
7. Đừng than phiền hay buôn chuyện lung tung.
Ai đi làm cũng có lúc muốn than thở, cũng sẽ gặp chuyện này chuyện kia, nhưng đừng biến nó thành chuyện đi “tám” khắp nơi.
Nếu bỏ qua được thì bỏ qua, đừng nghĩ nhiều, đừng để nó khiến bạn bị phân tán khỏi mục tiêu của bản thân. Cần thiết quá thì ngồi lại nói chuyện riêng với sếp và tìm cách giải quyết. Nguyên tắc của mình là như vậy.
8. Trở thành người mà ai cũng muốn làm việc cùng.
Marketing muốn hiệu quả cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng với tất cả các phòng ban khác. Thành ra bản thân Marketer cũng phải là người biết cách làm việc với tất cả các thành viên trong công ty. Nếu bạn có tư tưởng “làm việc một mình” thì Career sẽ khá là hạn hẹp — mình đang nói tới cơ hội vươn tới thị trường nước ngoài nhé.
9. Kết nối với những người cùng làm Digital.
Gặp gỡ, làm quen với những người đang làm cùng mảng với bạn.
Ví dụ, nếu bạn đang làm cho thị trường nước ngoài thì nên kết nối với những người cũng làm cho thị trường nước ngoài vì nó sẽ giúp bạn mở mang, cập nhật kiến thức, tìm kiếm ý tưởng.
Nếu bạn đang làm Ecom, kết nối với người làm Ecom; SaaS kết nối với SaaS; SaaS và Ecom cũng nên kết nối với nhau, nhất là Ecom SaaS và Ecom Business vì cả hai cái này liên quan chặt với nhau mà.
Mình không nói là không nên, nhưng sẽ có một hạn chế nhất định nếu bạn đang bán cho thị trường Mỹ mà vẫn cứ loay hoay trong Network của người bán thị trường nội địa — bản chất hành vi và thị trường khác nhau thì sẽ khó tìm thấy sự đồng điệu lắm.
10. Tham gia Exit Five…. hoặc Tự Học Marketing Cùng Mình ;)
Exit Five là một cộng đồng xịn dành riêng cho những ai đang lăn lộn trong ngành Marketing B2B, đặc biệt là ở thị trường Mỹ. Nếu bạn cùng mảng với Dave và đam mê các chiến lược B2B thì nên tham gia ngay, không cần suy nghĩ!
Nhân tiện, mình tranh thủ quảng cáo nhẹ chút… Nếu bạn đang làm Ecom, thì sao không thử join “Tự Học Marketing Cùng Mình”? Các bài viết của mình tập trung sâu vào Digital và Ecom, đặc biệt cho thị trường Mỹ và Úc — đảm bảo “đọc là nghiện” — hoặc không nghiện ;)
Đùa xíu cho vui thôi, mình hy vọng chia sẻ hôm nay đã “thắp lửa” cho bạn ý chí quyết tâm, nỗ lực từng ngày, cả động lực lẫn áp lực để phát triển kỹ năng và lớn mạnh trong nghề. Cùng cố lên nha!
👩🏻💻 Digital marketing deep dive
Phòng khi bạn bỏ lỡ: Đây là các bài viết đã được xuất bản trên Tự Học Marketing Cùng Mình 2 tuần vừa qua.
Customer Journey và Customer Lifecycle: Đừng nhầm lẫn giữa hai khái niệm này
Ecommerce Ecosystem là gì và cách tiếp cận như thế nào cho đúng?
Email Marketing Series gồm 12 bài chuyên sâu đã được hoàn thành. Đi qua 12 chủ điểm này là bạn không cần phải học thêm khóa học nào về Email nữa đâu, chủ yếu thực hành và tận dụng tài nguyên Free trên Email Marketing Platform bạn đang dùng là được.
📖 Mình đọc gì hai tuần vừa rồi?
Tuần này mình chủ yếu dành thời gian để nghiên cứu về Customer Return, Fashion Sustainability và cách mà các Australian Brand bán các sản phẩm theo mùa sẽ nhắm tới thị trường Mỹ như thế nào. Có mấy bài thú vị dưới đây khá là hay ho cho các bạn nào đang quan tâm cùng chủ đề.
🎧 Mình nghe gì hai tuần vừa rồi?
Podcast về CRO từ The Unofficial Shopify Podcast, khá là thú vị.
Podcast dưới đây nghe để lấy thêm động lực cày cuốc mỗi ngày, bạn nào đang bị thiếu năng lượng hay cảm thấy overwhelmed vì nghề thì nghe khá là tốt đó.
❓ Muốn hỏi gì mình chăng?
Nếu có bất cứ câu hỏi hay request nào cho mình thì bạn cứ thoải mái điền Form này hoặc để dưới bình luận hoặc email mình hello@lavendernguyen.com nhé.