5 tiêu chí để đánh giá liệu Business có nên chạy quảng cáo Meta
Không phải Business nào cũng nên chạy Meta Ads -- nếu chạy mà không thực sự biết có phù hợp hay không thì cẩn thận kẻo lỗ nặng.
Mình đang lên Content Plan cho năm 2025. Nếu được, mình rất hy vọng bạn sẽ chia sẻ cho mình Feedback và kỳ vọng qua khảo sát dưới đây nha. Cám ơn bạn nhiều lắm.
Meta Ads đang mang về cho các Ecom Business rất nhiều tiền. Gần như với Business Owner mới bắt đầu kinh doanh online, việc đầu tiên họ đều nghĩ đó là chạy quảng cáo trên Facebook hay Instagram. Dù hiện tại TikTok Ads đang lên ngôi, nhưng không thể phủ nhận Meta Ads vẫn chưa hết độ nóng, nhất là từ khi Meta tung ra các tính năng như Broad Targeting hay bộ công cụ Advantage. Tuy nhiên, không phải Business nào cũng thành công với Meta Ads. Nhiều Business bị lỗ chóng mặt luôn. Tiền ra đi thậm chí còn nhanh hơn tiền vào túi.
Vấn đề nằm ở đâu?
Vấn đề nhiều khi nằm ở việc không hiểu nền tảng hoạt động ra sao, không biết cách chạy, không có chiến lược; nhưng cũng có khi vấn đề nằm ở nguyên nhân sâu xa hơn đó chính là việc chọn sai nền tảng: nhầm tưởng Meta sẽ work với Business của mình nhưng kỳ thực đấy lại là lựa chọn sai lầm.
Để mình nói bạn nghe: Các Marketing Channel hay Platform như Facebook, Instagram, TikTok, Pinterest… tất cả đều được xây dựng xoay quanh con người. Người dùng đâu có tạo tài khoản để xem quảng cáo. Họ dùng Social Media là để kết nối với bạn bè, tương tác, tìm kiếm điều thú vị giải trí để coi, tham gia các cộng đồng, nhóm có lợi cho cuộc sống, công việc của họ, để follow những người truyền cảm hứng cho họ… hoặc nếu không nữa, thì họ đăng nhập vào Facebook như một thói quen khó bỏ.
Dù lý do là gì, mỗi ngày một người đăng nhập vào Social Media — bất kể nền tảng — đều có một ý định cụ thể — kể cả ý định đó chỉ là giết thời gian, không có việc gì làm, vào xem thiên hạ đang làm gì cũng là một ý định. Ít nhất 50% nội dung họ nhìn thấy trên nền tảng là Organic Content: bài đăng từ bạn bè, người họ follow, hoặc những nhóm cộng đồng họ tham gia. Vì vậy, quảng cáo của bạn phải hoà nhập vào bối cảnh (Context) đó — nếu không thì Ad sẽ bị “lướt ngang” chẳng ai quan tâm cả.
Cần lưu ý, Context này không chỉ dừng lại ở việc thiết kế quảng cáo đẹp hay câu từ bắt tai. Cốt lõi vẫn là sản phẩm. Sản phẩm mà không phù hợp với nền tảng thì dù bạn có đổ bao nhiêu tiền vào Meta Ads, bạn cũng chẳng nhận lại được ROI như mong đợi.
Trong Newsletter hôm nay, mình sẽ chia sẻ với bạn 5 tiêu chí để đánh giá liệu sản phẩm hay Brand của bạn có “match” với Meta Ads hay không nhé.
Hiển nhiên các sản phẩm thuộc danh mục cấm của Meta thì chắc chắn là không phù hợp để quảng cáo trên nền tảng này rồi. Cho nên mình sẽ không đưa tiêu chí này vào Checklist.
1. Biên lợi nhuận quá thấp > chạy Meta Ads sẽ lỗ
Meta Ads càng ngày càng đắt đỏ. Bạn có thể hỏi bất kỳ ai đang chạy Ads, họ sẽ gật đầu xác nhận rằng quảng cáo trả phí, nhất là trên Meta, giờ đây là một cuộc chơi tốn kém không dành cho những ai yếu tài chính. Dù chiến lược của bạn có tối ưu thế nào, dù đơn hàng đổ về liên tục, Meta vẫn có cách để khiến bạn phải chi thêm. Chi thêm nhiều, nhiều hơn nữa. Đó là bản chất của nền tảng này. Bạn thu về nhiều đơn hàng thì cũng phải bơm thêm tiền quảng cáo để duy trì. Không thể mơ đến viễn cảnh một mẫu quảng cáo thành công mà bạn giảm ngân sách nhưng Performance vẫn ngon lành. Chuyện đó giống như muốn mua bánh bao nhân thịt mà chỉ muốn trả tiền bánh bên ngoài không muốn trả tiền nhân vậy — không bao giờ có chuyện đó.
Để hiểu Meta Ads có thực sự “đáng đồng tiền bát gạo” hay không, bạn cần xem kỹ hai chỉ số quan trọng: Cost of Goods Sold (COGS) và Customer Acquisition Cost (CAC).
COGS (Giá vốn hàng bán): Đây là chi phí trực tiếp để sản xuất ra sản phẩm của bạn. COGS thường bao gồm:
Chi phí nguyên liệu
Nhân công sản xuất
Chi phí vận chuyển nguyên liệu, phụ kiện
Các thiết bị, công cụ cần thiết để lắp ráp sản phẩm
Những chi phí liên quan khác (bao bì, đóng gói, vận chuyển sản phẩm hoàn thiện).
CAC (Chi phí acquire khách hàng): Tính bằng tổng ngân sách Marketing chia cho số khách hàng mới. CAC cho bạn biết bạn cần bỏ ra bao nhiêu tiền để thu về một khách hàng mới, tức là một đơn hàng mới. Lưu ý, CAC chỉ tính khách hàng mới (New Customer), không bao gồm khách hàng quay lại (Existing Customer), để tránh nhầm lẫn với các chi phí liên quan đến Customer Retention.
Ví dụ, bạn bán sản phẩm với giá $100. COGS là $30; CAC là $30.
Lúc này, doanh thu trừ đi các chi phí cơ bản: $100 - $30 (COGS) - $30 (CAC) = $40.
Lợi nhuận biên sản phẩm (Product Margin) $40/đơn hàng nghe có vẻ ổn, đúng không? Nhưng hãy nghĩ kỹ, bạn còn chưa tính:
Tiền thuê văn phòng
Lương nhân viên (kế toán, nhân sự...)
Các chi phí vận hành khác (bao gồm cả tiền lương của bạn)
Nếu loại bỏ hết tất cả các phí tổn này, số tiền lời trên một đơn hàng bạn giữ lại có thể là... số âm.