Boost Corner #5: Trả lời câu hỏi Ask Me Anything + vài bài học rút ra từ công việc
Bản thân Digital Marketer phải làm chủ Skill và “What’s Next?” của bản thân.
Kể từ thời điểm đầu tháng 10 là Holiday Season / Sale Season đã bắt đầu rồi. Bạn nào đang làm Digital Marketing cho thị trường nước ngoài, kể cả trong nước, chắc cảm thấy “nhiệt” lắm đây. Mình hy vọng là bạn ngày nào cũng tràn ngập năng lượng và giữ vững tinh thần từ đầu mùa đến cuối mùa nhé.
Brand bọn mình cũng bận rộn phết. Chưa kể còn có một số dự án tối ưu hoạt động tổng thể nữa cho nên đã bận lại càng bận hơn. Hai ngày thứ 5 và thứ 6 mình được work from home có sự tập trung cao hơn cho nên gần như cày cuốc từ sáng tới tối. Nhiều khi cảm thấy cứ làm ở nhà là Technical Issue rồi ti tỉ thứ cứ phát sinh, làm cho mình luôn chân luôn tay không được nghỉ gì luôn. ;)
Quay vào chủ đề chính. Trong Boost Corner hôm nay, mình có một vài suy nghĩ nho nhỏ muốn chia sẻ đến bạn. Sau đó, mình sẽ tập trung vào trả lời các câu hỏi mà các bạn đọc đã gửi đến cho mình qua Form “Ask Me Anything.” Mình xin lỗi đã để quá lâu hôm nay mới có thời gian đọc kỹ những gì các bạn chia sẻ.
Phần 1: Vài bài học và suy ngẫm về nghề Marketing của mình thời gian qua
Thứ nhất, hơn chục năm làm trong mảng Digital Marketing với rất nhiều vị trí từ Content, Email, chạy Ads, Ecom Tech… mình học được một điều hết sức quan trọng: Bản thân Digital Marketer phải làm chủ Skill và “What’s Next?” của bản thân.
Ý ở đây tức là:
Luôn luôn trau dồi và mài giũa kỹ năng cứng lẫn mềm của bản thân. Upskill liên tục, không được để bị động khiến bản thân không theo kịp với sự phát triển của ngành lẫn thị trường. Bạn đang làm mảng nào thì phải cố gắng làm chủ mảng đó, phải hiểu về cái mình đang làm — làm như nào cho đúng đắn, chân chính và hiệu quả thực sự, chứ không phải dăm ba thủ thuật Marketing, Hack, Tip, Trick… như thế không gọi là hiểu. Bản chất của sản phẩm đang bán, bản chất Target Audience của mặt hàng này, đặc thù của hoạt động Digital Marketing sẽ có sự nổi bật ra sao… Khi bạn thấy Skill của mình được cải thiện và lên theo thời gian thì bạn sẽ không bị rúng động trước các thay đổi khách quan lẫn chủ quan.
Làm chủ “What’s Next” tức là có định hướng cho công việc của bản thân. Bạn đang làm vị trí Content Writer thì bạn phải luôn có sự nhìn nhận xem xét mình có thể phát triển theo hướng nào, trong 6 tháng, 1 năm, 2 năm, 5 năm sẽ phát triển lên cái gì. Nếu không còn làm vị trí hiện tại hoặc buộc phải chuyển đổi công ty, bạn sẽ có thể ứng tuyển vào những vị trí nào. Thế mạnh của bạn là gì, Dream Company của bạn là gì, môi trường làm việc như nào là phù hợp với giá trị sống của bạn… Tất cả những cái này bạn nên nghĩ tới để tìm ra được bến đỗ phù hợp với bản thân.
Nếu bạn đi làm mà cứ sáng dắt đi tối dắt xe về, ngày nào cũng như ngày nào mà không hề nghĩ tới một “Back-up Plan” thì sẽ rất bị động. Nói thế không có nghĩa “đứng núi này trông núi nọ” — Back-up Plan không phải như vậy. Như mình đã nói ở trên, chỉ cần làm chủ Skills và What’s Next thì dù có gió dập sóng dồi bạn vẫn có thể trấn tĩnh để biết mình nên làm gì. Đây cũng là Mindset của mình, mình cực kỳ không thích sự bị động. Cho nên mình luôn luôn Upskill và grow bản thân.
Thứ hai, là một Marketer, chúng ta đôi khi cũng đóng vai trò là người lèo lái giúp Brand của mình đi theo đúng hướng. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn đang làm cho các Business nhỏ và vừa, với Marketing Team chỉ có 1 hoặc vài người.
Nếu bạn thấy Brand đang có dấu hiệu phức tạp hoá mọi thứ lên, bạn nên lên tiếng và đề xuất các ý tưởng phù hợp để giúp đơn giản lại quá trình. Bởi vì người ta thuê bạn về làm Marketer là người ta cần sự giúp đỡ, cần hỗ trợ, cần chuyên môn của bạn. Họ không rõ về cách làm Marketing nên “input” và “knowledge” của bạn là cái giúp họ đi theo định hướng đúng đắn.
Ngày xưa mình không dám lên tiếng. Mình cứ im ỉm vì sợ sai, sợ ý tưởng của mình không có giá trị và sợ nói ra bị chê. Nhưng dần dần mình cảm thấy khi im lặng thế mình chỉ kiềm chế sự phát triển của bản thân, chưa kể khi mình tin chắc góp ý của mình hợp lý và mình thấy công ty đi sai mà chẳng nói gì thì mình không có tí tinh thần Teamwork nào. Cho nên 2, 3 năm trở lại đây khi mình làm việc sâu cho các Brand nước ngoài, mình đã quyết định phải mạnh dạn, cứng rắn hơn. Nhất là hiện tại mình còn làm việc trực tiếp với CEO/Founder nữa — mình phải và bị “ép” phải đưa ra các quan điểm. Không ít lần mình và Boss quan điểm trái ngược — có lúc Boss đúng, có lúc Boss sai, có lúc chẳng ai đúng chẳng ai sai. Nhưng mình vẫn không nề hà lên tiếng, mình học hỏi được rất nhiều, và cũng đóng góp được nhiều ý tưởng giúp cải thiện Performance. Sếp thấy mình như vậy nên lại càng hay chia sẻ và khuyến khích mình “debate” với sếp.
Hiển nhiên, không phải đưa ý tưởng, góp ý, lên tiếng là nói thiếu cơ sở, chém gió thao thao bất tuyệt. Làm việc với Boss nước ngoài là những người rất hiểu biết, chúng ta không thể múa rìu qua mắt thợ được. Lại quay về với yếu tố làm chủ Skills ở trên.
BAD: “This is a huge issue. I don’t know why it happened.”
GOOD: “This is a problem. I suggest doing X.”
GREAT: “This is a problem because […]. I noticed performance decreased by […], data from […]… I suggest doing X for Y reasons [insight-driven rationale]. Let me know what you think or if you agree to proceed.”
Phần 2: Trả lời câu hỏi bạn đọc qua Ask Me Anything
Chị có thể chia sẻ về marketing automation không ạ? Về cách một người chưa có kinh nghiệm thực chiến có thể tạo ấn tượng trong porfolio về mảng marketing automation ạ? Vì em để ý ở thị trường Phần Lan nói riêng Châu Âu nói chung, xu hướng tuyển junior marketing automation rất khan hiếm ạ. Em đã thi chứng chỉ Salesforce email marketing cloud nhưng rồi lại chật vật vì thật sự không biết mình nên làm gì tiếp theo để tăng vốn hiểu biết cũng như kinh nghiệm về ngành cũng như là có cái gì đó để show cho nhà tuyển dụng. Em đã học được rất nhiều từ bài viết Porfolio của chị và cũng take note đc một số ý khá hay.
Mình trả lời: Email Marketing nói riêng và nhiều mảng khác trong Ecom, việc bạn thành thục ở Tool hay Platform nào ở mức độ nào đó sẽ “giới hạn” cơ hội của bạn ở mảng đó. Mình lấy ví dụ, nếu bạn là người dù rất giỏi về Email Marketing nhưng lại chỉ thành thạo Klaviyo mà MailChimp, chưa dùng Hubspot bao giờ thì nhà tuyển dụng cũng ít khả năng để mắt tới bạn. Learning Curve đối với Tech là điều mà các công ty luôn thận trọng. Industry bạn có kinh nghiệm cũng chi phối các cơ hội của bạn nữa. Ví dụ, nếu bạn giỏi Email mà chưa làm Fashion hay Cosmetics bao giờ thì các Brand này cũng sẽ bỏ qua hồ sơ của bạn. Cái này đặc biệt rõ rệt ở thị trường tuyển dụng nước ngoài vì họ rất cụ thể về cái họ cần và người phù hợp với họ. Có Skill ở Tech nào là một yếu tố có tính rất quyết định.
Quay trở lại với câu hỏi của bạn ở trên, bạn đã thi chứng chỉ Salesforce Email Marketing Cloud. Mình giả thuyết là bạn có kinh nghiệm và mạnh về Salesforce EMC. Bạn có thấy sự giới hạn ở đây không? Skills của bạn bị gắn chặt với Salesforce, cho nên trừ khi bạn tìm đúng công ty đang dùng Salesforce cho Email Marketing (thường là B2B tầm Medium trở lên), còn không thì sẽ khá là chật vật đó. Rất khó để khuyên bạn vì có quá ít thông tin, nhưng mình cũng xin có vài gợi ý sau:
Xác định rõ bạn muốn làm mảng gì: B2B hay B2C hay D2C Ecommerce? Mảng bạn đang làm sẽ quyết định Tool bạn nên tìm hiểu và thành thục. Nếu bạn tính chuyển sang B2C hay D2C thì các Skill về Salesforce có thể sẽ không được tận dụng.
Bạn đang muốn làm cho mảng gì? Thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dùng,… Nếu là B2B thì cụ thể là Industry gì… Đã hiểu nhiều về mảng đó chưa?
Tìm hiểu xem các công ty ở Châu Âu họ thường dùng Tool gì về Email Marketing, tiềm năng thị hiếu dùng Email cho Business ở đó ra sao… Bạn đã hiểu được bao nhiêu về Market và Channel?
Một điều nữa, mình thấy bạn hỏi về Portfolio cho người chưa có kinh nghiệm thực chiến. Mình thắc mắc vì sao bạn lại thi chứng chỉ của Salesforce Email Marketing Cloud nhỉ? Có lý do gì chọn Salesforce không? Salesforce không phải là sở thích của nhiều SMB đâu.
Nếu bạn muốn có nhiều lời khuyên hơn có thể Email cho mình rõ hơn về tình huống của bạn nhé. Mình có thể suy nghĩ thêm.
Cho em hỏi về việc research cho một dự án nào đó sẽ thực hiện như thế nào. Hiện em research theo cảm nhận là rất nông và từ khoá rất ít. Em biết đợt trước chị có 1 bài về việc tìm hiểu thị trường Mỹ rất hay. Cái em gặp vấn để là key word để tìm đúng (cảm nhận) rồi có những cái nhóm của của khách hàng mục tiêu thì nó không đơn giản chỉ là viết thẳng ra chủ đề thì làm sao tìm được ạ. Rất mong chị chia sẻ về phần này, nếu được lấy case study ngày xưa làm POD của chị thì quá tốt ạ. Cảm ơn chị nhiều vì tạo ra thứ vô cùng giá trị như THMCM.
Mình nghĩ là các bài viết này sẽ trả lời câu hỏi của bạn nha:
Thực chiến cách mình làm Customer Research và Audience Research
Chi tiết cách mình nghiên cứu từ khóa để viết content tiếng Anh (không liên quan 100% nhưng cũng có idea hữu ích)
Cách mình nghiên cứu để hiểu thị trường tiêu dùng Mỹ ngay cả khi không sống ở đó
Em hiện tại cũng đang làm việc trong ngành Ecom. Em rất cảm ơn vì những chia sẻ của chị rất thực tế và em có thể ứng dụng cho công việc của em luôn. Em cũng đang làm hướng đến thị trường Mỹ, Canada, tuy nhiên đây là một thị trường khá mới từ hành vi người dùng, cách khái thác insight ,... Cách hiện tại của em là research hành vi, xu hướng, các yếu tố vi mô, vĩ mô sẽ ảnh hưởng đến ngành. Nhưng em gặp phải một vấn đề là càng research em càng thấy hoang mang và hầu như không thể đúc kết ý gì có thể ứng dụng được. Không biết chị có thể share thêm về cách/phương pháp nghiên cứu thị trường, hành vi người tiêu dùng, ... ở thị trường nước ngoài để có thể ứng dụng trong việc triển khai các chiến dịch Digital marketing không ạ.
Mình trả lời: Bạn có thể đọc 3 bài viết liên quan đến Research mình đưa ra ở trên. Ngoài ra, từ những gì bạn chia sẻ, mình khuyên bạn đừng nghĩ gì quá xa xôi vi mô, vĩ mô. Trước khi bắt đầu Research, hãy chắc chắn 100% là bạn hiểu rõ sản phẩm bạn đang bán và thị trường/đối tượng người mua hàng mà công ty bạn nhắm tới. Rồi từ đây mà đi ra. Ví dụ, nếu công ty bán sản phẩm nước hoa cho mèo (đùa thui, mình lấy ví dụ cho vui) và đang muốn bán cho thị trường Mỹ, vậy thì phải truy tìm các cộng đồng, diễn đàn nơi mà những người yêu thích mèo tham gia thảo luận. Nghiên cứu xem có đối thủ nào đang bán sản phẩm tương tự hoặc liên quan chưa, xem thử họ có khách hàng Review ra sao, từ đó lần mò hết cái này đến cái khác… Dùng cụm “phương pháp nghiên cứu thị trường” học thuật quá, mình không có nghĩ tới mấy cái phức tạp này. Mình đi từ bản thân Business mà ra, rồi suy luận theo “common sense” của một người tiêu dùng bình thường và tận dụng công cụ Google để nó đưa mình đi đâu thì đi. Nếu bạn nghĩ quá to lớn bạn sẽ thấy rất “stuck” và có thể không tìm ra “real-life insight” đâu.
“Chị có thể hướng dẫn cách chị nghiên cứu khán giả mục tiêu trên môi trường số được không ạ? Ngoài nhân khẩu học ra còn có các mối quan tâm/ lo lắng, hành vi tiêu thụ nội dung, hành vi lựa chọn sản phẩm/ dịch vụ ạ!”
Bài viết này Thực chiến cách mình làm Customer Research và Audience Research của mình chắc trả lời câu này rồi.
Em đang làm Content Creator trên IG và TikTok, cho ecom shop về mảng mẹ và bé, thời gian đầu, khách yêu cầu tạo content đẩy traffic về shop, nhưng bây h mục tiêu lại đổi, chuyển thành hướng cộng đồng để nhận collaboration và có passive income. Riêng TikTok, khách cũng tham gia vào làm content, làm khá cảm tính, có bao nhiêu chất liệu thì tạo bây nhiêu rồi muốn kênh lên view cao, flip thì ẩn đi😢. Đồng thời còn muốn kênh mở rộng hơn, không chỉ dừng lại ở 1 niche nhỏ trong mảng mẹ và bé, để không giới hạn người xem và khách hàng, khách sợ followers sẽ bỏ đi ấy chị. Qua tình trạng em kể trên, em rất mong được chị cho góc nhìn liệu rằng hướng đi này có phải đang quá tham lam, muốn làm nhiều thứ cùng lúc, mở rộng ra nhiều nhưng nguồn lực (tiền, con người) còn hạn chế không ạ? E thấy khách làm khá cảm tính, cảm giác lại quên mất đi cái lõi là ecom shop của c ấy ạ. Hay là em cứ làm công việc của mình và không quan tâm đến những điều trên ạ? Vì thực ra định hướng là của c ấy, em không có phần cần thiệp ấy ạ.
Mình trả lời: Cái này còn tùy thuộc vào mục tiêu của người khách bạn đang làm việc cùng nhé. Mục tiêu của họ cho tài khoản TikTok là để xây dựng một Business lâu dài, hay đơn giản chỉ là kiếm tiền. Nếu là vế sau, tức là kiếm tiền, thì họ có thể làm đủ các cách mà họ thấy thích nghi với xu hướng nền tảng để tạo ra tiền thôi. Nên họ sẽ tự do chuyển từ ecom shop sang Collaboration… Và bản thân bạn là Content Creator, làm việc cho họ thì phải đi theo định hướng đó. Có thể sẽ quá nhiều, thiếu sự tập trung, nhưng mục tiêu của họ là kiếm tiền ngay thì cũng không phải không hợp lý. Bạn có thể nói chuyện thẳng thắn với người khách đó để hiểu rõ cái Goal của họ ra sao, và dựa trên thông tin bạn thu được để quyết định liệu bạn có muốn đi cùng họ lâu dài. Bạn vẫn nên góp ý với họ chứ, nhưng góp ý như nào còn tùy thuộc vào Goal của họ nhé, để đưa ra ý tưởng phù hợp.
Em có để ý chị nhận đăng ký paid newsletters cho các bạn không có thẻ VISA để đăng ký qua Substack, em cũng đang là người viết trên Substack, vì là người VN nên không thể đăng ký phần tài khoản để mọi người subscribe trả phí được, cho nên em muốn được chị có phần hướng dẫn nhỏ cách chị nhận đăng ký paid newsletters qua phương thức khác mà vẫn cho ng xem bài của mình hàng tháng ạ?
Cái này mình cũng không rõ lắm nè. Mình dùng Substack và thẻ Mastercard thui. Có lẽ do mình đang ở Úc nên rất tiện. Mình không biết ở Việt Nam thì nên làm sao, có lẽ dùng Visa sẽ được chăng. Bạn thử liên hệ với Substack Support và hỏi xem sao nha.
Mình cám ơn tất cả các bạn đã gửi câu hỏi đến cho mình. Mình hy vọng những gì mình trả lời ở đây sẽ có ích phần nào nha. Bạn nào có câu hỏi nữa cho mình thì cứ thoải mái điền Form này nhé.
Enjoy weekend!
👩🏻💻 Digital marketing deep dive
Phòng khi bạn bỏ lỡ: Đây là các bài viết đã được xuất bản trên Tự Học Marketing Cùng Mình 3 tuần vừa qua.
Zero-Click Content: Cách tiếp cận Content Marketing trong thời đại không "Click"
6 nhóm khách hàng (Customer Segment) đặc trưng trong Ecommerce
Hiểu rõ Incrementality để biết làm Marketing hiệu quả hay không
Temu là gì? Trải nghiệm mua sắm của mình và vài điều chia sẻ với Marketer
Conversion Rate Optimisation (CRO): Cách tiếp cận đúng, cách Audit, và các ý tưởng
📖 Ý tưởng Marketing để cân nhắc
What can you do to impact your revenue before the end of the year? — Insights cho thị trường Mỹ
🎧 Mình nghe gì hai tuần vừa rồi?
Những Insights mới về khách hàng, khá là hữu ích cho các bạn đang bán thị trường Mỹ, Úc, châu Âu (nghe thử nhé, rất thú vị!)
Instant, Triple Whale Sonar… kha khá các Ecom Data Enrichment Tool giúp track hoạt động của Visitors trên Site tốt hơn, giúp cải thiện hoạt động Retargeting và kéo Revenue. Bọn mình hiện đang dùng Triple Whale Sonar. Bạn có thể nghe Video dưới đây để nắm thêm thông tin về cách các Tool này hoạt động cũng như thực tế Brand đang triển khai chúng ra sao.
❓ Muốn hỏi gì mình chăng?
Nếu có bất cứ câu hỏi hay request nào cho mình thì bạn cứ thoải mái điền Form này hoặc để dưới bình luận hoặc email mình hello@lavendernguyen.com nhé.