Boost Corner #7: Từ ngại lên tiếng đến dám nêu lên ý tưởng khác biệt
Cách mình vượt qua những ngụy biện của bản thân.
Trước đây, mỗi lần họp Team hay có Meeting cả phòng ban, mình rất ngại nêu lên ý kiến. Mình có thể liệt kê một vài lý do tiêu biểu dưới đây:
Mình không cảm thấy tự tin, vì cho rằng những người trong Team đều giỏi hơn mình. Mình không là gì để được đưa ra ý kiến.
Mình sợ ý kiến của mình sẽ làm trò cười cho mọi người, sợ bị chê, bị phản đối ngay lập tức.
Mình chưa đủ dũng cảm để đón nhận các luồng ý kiến trái chiều.
Mình sợ nói ra không có ai đồng thuận với mình.
Từng đưa ra ý kiến và có trải nghiệm không như ý (bị phản bác, không được duyệt, run quá nên trình bày lắp bắp…) thành ra luôn bị ám ảnh, lựa chọn im lặng để bảo vệ sự yếu đuối đầy nhu nhược của bản thân.
Mình dù dũng cảm nhưng chưa đủ nhạy bén và hiểu rõ vấn đề để phản ứng lại với những tranh luận của mọi người. Sợ mọi người hỏi xoáy đáp xoay không biết trả lời ra sao.
Mình chưa tự tin về ý tưởng, luôn nghĩ phải dành thời gian ngâm cứu thêm thì mới chia sẻ. Cũng vì lý do này, ý tưởng ngâm lâu quá, đến lúc quyết định sẵn sàng nói ra thì quá muộn.
Kể cả khi làm việc trong môi trường nước ngoài, thời gian đầu, những lý do trên vẫn luôn là rào cản khiến mình không dám lên tiếng trong các buổi họp. Chưa kể còn có thêm một “lời bào chữa” để trốn tránh nữa, đó là bất đồng ngôn ngữ: “Họ là người bản địa, mình tiếng Anh bập bẹ thì ý kiến ý cò gì. Tập trung nghe thì tốt hơn.”
Nhưng trong môi trường Business nước ngoài, lựa chọn im lặng cũng đồng nghĩa với việc mình tự đẩy bản thân vào thế lùi và chậm phát triển hơn người khác. Nếu mình cứ không đưa ra ý tưởng thì chẳng khác gì mình tự thể hiện bản thân là người không sáng tạo, không có ý tưởng, thụ động, thích hưởng thụ…. Tháng này qua tháng khác kỹ năng mềm này chẳng cải thiện gì. Làm Digital Marketing mà như thế này thì sao mà tiến bộ được. Mình nhìn vào đã thấy không ổn, chứ chưa nói gì đến sếp.
Vậy nên, mình buộc phải gắng vượt qua tất cả những “excuse” trên và từng bước bước ra vỏ bọc mà nhiều năm qua mình đã vô tình tạo ra cho bản thân.
Chiến lược của mình đó là:
Nỗ lực gấp nhiều lần so với đồng nghiệp. Không phải sinh ra ở xứ bản, cho nên mình phải cố gắng gấp bội so với những người khác: ngoại ngữ, kiến thức, sự năng động, nhanh nhẹn, chăm chỉ.
Học, học nữa, học mãi. Liên tục đọc, mở rộng kiến thức, góc nhìn trong nghề, chuyên môn về Digital, cái gì có lợi là đọc, khám phá, không ngần ngại tiếp thu. Suy nghĩ liên tục, động não liên tục… Chỉ có tăng hiểu biết lên thì mới có nhiều cái để mà nói và chém gió lại với mọi người.
Bắt đầu lên tiếng từ những cái nhỏ nhất. Chẳng hạn, khi đồng nghiệp chia sẻ một ý tưởng, nếu ý tưởng đó hay mình sẽ hỗ trợ bằng việc nói kiểu “Such a good idea. I think if we do that, we can…”, hoặc “Oh, that’s what I have been thinking about too. In fact, I think we can make it easier by….” Tùy vào từng trường hợp, mình sẽ chủ động tham gia cuộc thảo luận bằng các cách phù hợp. Bởi vì mình đã không ngừng phát triển bản thân từ cái số (2) cho nên mình đã có thêm chút chút để hòa vào câu chuyện với mọi người. Mục tiêu ở đây là đưa bản thân bước vào buổi Discussion một cách thoải mái, dễ dàng và nhanh nhất. Phải nói được câu đầu tiên thì mới nói được câu thứ hai. Chứ còn yếu tim mà đã chọn cái khó nhất (trình bày Idea) thì chỉ thêm run mà thôi.
Luôn ghim chặt tư duy: không nói ra không ai biết; không nói ra thì không biết sai ở đâu; không nói ra thì không bao giờ tiến bộ. Những lần đầu, mình bị đỏ mặt, vẫn còn lắp bắp, run run, câu cú, ý tưởng loạn xị ngậu lên. Nhưng mình không ngờ các đồng nghiệp cực kỳ kiên nhẫn. Có bạn còn support mình bằng việc diễn đạt lại ý tưởng để những người khác đều hỏi, chẳng hạn kiểu như “I understand what Lavender just said about […], and I think it’s a good idea.” Lần đầu rất sợ, lần hai bớt sợ, lần ba bớt sợ sợ….. lần thứ 10 thì chẳng sợ gì nữa. ;) Cứ thế đoán định tình hình mà xông vào thảo luận cùng mọi người.
Đến bây giờ mình vẫn đang bám chặt chiến lược này và mình đã tự tin hơn rất nhiều rồi. Phải nói thật việc mạnh dạn nói lên ý kiến của bản thân đã thay đổi mình một cách mạnh mẽ. Nó cũng giúp cho mình nhận được sự tin tưởng lớn từ cả sếp lẫn đồng nghiệp. Lắm lúc mình cũng cũng không thể tin nổi là mình lại nghĩ ra được vài Idea hay ho đến thế. ;)
Khi ý tưởng của mình khác hẳn với cả Team
Rồi, bây giờ là một trải nghiệm thú vị của tuần này mà mình muốn chia sẻ đến bạn. Nếu trong một buổi Meeting, cả Team cùng chung một ý kiến, nhưng bạn lại nghĩ khác hoàn toàn với họ thì sao? Bạn sẽ chọn hòa theo ủng hộ ý kiến của mọi người hay là sẵn sàng nói lên góc nhìn riêng của bản thân và đưa ra lý luận để chứng minh cách tiếp cận của họ có thể không hợp lý?
Thứ 2 vừa rồi bọn mình có một buổi họp Team đầu tuần. Buổi họp có hai sếp tổng tham gia (Managing Director và bạn Creative & Design Director), 1 bạn về Social Media Manager và 1 bạn Ecommerce Co-ordinator.
Nội dung của Meeting là chốt hạ các hoạt động cho chiến dịch Sale “50-70% Off Signature Styles” sẽ diễn ra vào thứ 5. Sếp Managing Director đặt ra một câu hỏi: Nếu đề cập Black Friday Sale trên các thông điệp Marketing và quảng cáo thì mọi người nghĩ sao? Sếp bảo phải “go big” cho đợt Sale này vì đây là tuần lễ mua sắm lớn, ai cũng sẽ săn Black Friday Deal, không thể bỏ lỡ cơ hội. Sếp hỏi ai đồng tình với sếp.
Social Media Manager: Đồng tình. Bạn ấy đưa lý luận tương tự như sếp.
Ecommerce Co-ordinator: Đồng tình luôn. Bạn ấy liệt kê các Big Fashion Brand đã chạy Black Friday Cyber Monday, và dùng copy rất mạnh mẽ.
Creative & Design Director: Gật đầu và bảo bạn ấy okay với hướng đi đó.
Mình: Không đồng tình.
Khi đến lượt mình là người cuối, sếp hỏi “Lavender, what do you think?” Mình nói với sếp “I have a completely different thought. I don’t think we should use the words “Black Friday Sale” in our copy across ads, social and emails.” Mình đưa ra các lý do theo thứ tự dưới đây:
Nomad the Label từ trước tới giờ luôn là một Brand hướng đến Sustainability, cực kỳ ít khi có Sale. Bọn mình gần như bán Full Price cả năm. Sale của bọn mình luôn chỉ là ở phần Sale Collection, chứ không bao giờ toàn Store. Brand trước giờ cũng luôn có tôn chỉ không muốn trở thành “Another Discount Brand” với Copy sặc mùi khuyến mãi và chạy theo Trend. Cái này là lõi của Brand cho nên không nên đi chệch ra khỏi cái lõi này, dù chỉ là một thay đổi cực kỳ nhỏ.
Target Audience của Brand là những người lớn tuổi. Và không chỉ người lớn tuổi, Consumer nói chung mùa Sale họ chỉ quan tâm tới việc Sale bao nhiêu, Discount như thế nào, chứ đâu quan tâm tới cái tên. Việc thêm 3 từ “Black Friday Sale” chỉ chiếm diện tích và khiến mất đi cơ hội để làm nổi bật thông điệp chính: 50-70% Off Signature Styles. Mình lấy ví dụ cụ thể, tiêu đề Email nếu quá dài (“Black Friday Sale: 50-70% Off Signature Styles”) sẽ bị ẩn đi trên Subject Line trong Inbox của Gmail. Rõ ràng, thật đáng tiếc nếu thêm vào 3 từ Black Friday Sale mà vế sau của tiêu đề lại bị cut off.
Rất nhiều Brand sẽ dùng từ Black Friday Sale trong tiêu đề Email. Chúng ta không muốn xuất hiện trong Inbox của khách hàng với một “Black Friday Sale” Email khác. Thay vì vậy thì nên thẳng thắn và đi vào trọng tâm thì hơn.
Hai tuần trước, chúng ta đã tung ra chiến dịch “50-70% Off Select Styles” và đạt được kết quả ngoài mong đợi. Lần này, chúng ta chỉ đơn giản thêm 10 sản phẩm vào Collection. Nếu lần đầu đã thắng lớn thì tại sao không nhân đôi cú “hit” đó? Tại sao không double down trên chiến lược đã thắng thế và tận dụng cơ hội để tiếp tục bứt phá?
Kết quả bạn biết sao không? Cả 3 bạn đều đồng tình với mình và quyết định không dùng từ “Black Friday Sale”. Chỉ đơn giản là “50-70% Off Signature Styles.”
Đây không phải là lần duy nhất mình có quan điểm trái ngược với cả Team; nhiều lần rồi. Hiển nhiên, không phải lúc nào mọi người đều chuyển hướng theo những gì mình chia sẻ, nhưng phải đến 90% các tình huống là như vậy. Mình không biết tự bao giờ mình đã trở nên mạnh dạn hơn và dám nêu ra quan điểm của mình như thế này, nhưng mình cảm nhận được một bước tiến rõ rệt của bản thân.
Khi những gì mình suy nghĩ khác với mọi người, bí quyết của mình là chuẩn bị lập luận chặt chẽ rồi mới bắt đầu chia sẻ.
“Nhưng trong buổi họp trực tiếp như vậy, làm sao chị có thời gian để chuẩn bị đây?”
Câu hỏi rất hay! Nhớ là mình luôn trau dồi bản thân hàng ngày cho nên hiểu biết tăng lên rất nhanh. Đến khi cần là những gì đã nghe, đã học, đã đọc được tự nhiên nó xuất hiện trong đầu. Cái này phải rèn luyện nhé, không phải nhanh mà đạt được, và mình đã luyện cho bản thân qua chiến lược 4 ý ở trên đó — mình vẫn đang luyện hàng ngày. Sếp thường hay nói mình có Analytical Thinking rất tốt.
Nào mình đi làm có trải nghiệm gì hữu ích là mình lại muốn gửi đến bạn, phòng khi khích lệ được bạn chút nào. Hy vọng chia sẻ hôm nay đã inspire bạn nhé. Cùng cố lên nha!
Enjoy weekend ;)
👩🏻💻 Digital marketing deep dive
Phòng khi bạn bỏ lỡ: Đây là các bài viết đã được xuất bản trên Tự Học Marketing Cùng Mình 2 tuần vừa qua.
Loyalty Program: 4 sự thật + 3 điểm cần nhớ để tiếp cận đúng
Chiến lược tích điểm (Point-based) và cách tốt hơn để triển khai Loyalty Program
Cách mình rèn luyện "Manage Up" để nắm bắt cơ hội và tăng trưởng trong công việc
🎧 Mình nghe gì 2 tuần vừa rồi?
❓ Muốn hỏi gì mình chăng?
Nếu có bất cứ câu hỏi hay request nào cho mình thì bạn cứ thoải mái điền Form này hoặc để dưới bình luận hoặc email mình hello@lavendernguyen.com nhé.
Em cũng luôn khuyến khích mọi người trong team chủ động nói lên ý kiến hoặc chia sẻ bất kì suy nghĩ nào xuất hiện trong đầu các bạn trong các cuộc họp như vậy ạ, điều này tạo ra tính tương tác và biết được nhiều góc nhìn khác nhau trong 1 vấn đề hơn. Cảm ơn bài viết của chị, chúc chị cuối tuần vui vẻ ạ xD