Chạy quảng cáo Meta Ads: Những điều căn bản marketer hiện đại bắt buộc phải hiểu
Chạy quảng cáo không đơn giản như bạn nghĩ.
Mình chưa bao giờ có ý định viết về chạy quảng cáo Facebook thực chiến. Mình đã từng có một vài bài chia sẻ về cách nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, viết copy quảng cáo và cách tạo Demonstration Ads rồi dừng lại ở đó. Còn đi sâu vào cách chạy, chiến lược chạy, đo lường hiệu quả… thì chưa nghĩ đến là sẽ viết. Phần vì mình chưa phải là expert gì, phần vì mình cũng chưa phải có vài năm đến chục năm kinh nghiệm như bao người, sợ viết ra lại múa rìu qua mắt thợ.
Nhưng hôm qua mình đã quyết định là phải thử. Dẫu những gì mình viết ra căn bản thì có lẽ cũng sẽ có ích ít nhất cho những bạn mới bắt đầu. Hoặc ít nhất là với những bạn vẫn đang còn chạy quảng cáo theo kiểu thập niên 2010.
Vì sao mình nói vậy?
Hồi xưa chạy quảng cáo Facebook phải nói dễ. Pixel, lookalike, Advantaged Plus, custom audience, Ads Manager… những cái này chưa hề tồn tại. Ai có tiền, có sản phẩm hay dịch vụ, đổ tiền vào quảng cáo thì bỏ ra 10 cũng thu được 7, 8. Với những người mà am hiểu Facebook Ads thì nói không quá là đánh đâu thắng đó.
Nhưng đấy là thời của khoảng chục năm về trước thôi. Còn theo thời gian và đến bây giờ, Facebook Ads đổi thành Meta Ads với một hệ sinh thái rất nhiều tính năng, đa dạng các nội dung có thể quảng cáo, thuật toán phức tạp, đo lường cũng phức tạp… thì việc chạy quảng cáo không còn dễ dàng như trước nữa.
Bây giờ có nhiều tiền chưa chắc đã thắng lớn trên Meta Ads. Mà có ít tiền chưa chắc đã thua. Người có mấy chục năm kinh nghiệm chạy quảng cáo cũng chưa chắc đã hiểu rõ nền tảng bằng thế hệ Gen Z mới vào nghề.
Mình nói tất cả những cái này để làm gì? Đó là để nhắc bạn đừng chạy quảng cáo với tư duy của năm 2010 nữa. Nếu vẫn còn tư duy kiểu này thì bạn đang đi thụt lùi rất nhiều so với thuật toán của Meta. Điều này đồng nghĩa với việc bạn đang đốt tiền vào quảng cáo mà có khi chẳng biết mình đang đốt để làm gì.
Có bạn có thể phản biện lại, “à đó là chị đang làm việc ở nước ngoài thôi, chứ còn ở Việt Nam thì vẫn chạy ngon lắm?”
Chắc không. Chạy một campaign được 7 ngày thấy chục đơn hàng? Đồng ý, khởi đầu có vẻ thuận lợi, nhưng liệu xem thử duy trì được lâu không? Khả năng scale ra sao? Độ chính xác các sale đó đến từ quảng cáo Facebook là bao nhiêu phần trăm? Hay lại bị Facebook attribution window (cửa sổ chuyển đổi/phân bổ) đánh lừa? Lý do vì sao campaign đó chạy được? Bạn hiểu được lý do đằng sau không? Đừng chỉ nhìn vào con số bề ngoài mà hãy nhìn vượt xa những con số thô sơ. Hiểu được như vậy rồi rút ra insight và đưa ra các quyết định cho next step thì mới thực sự là một Media Buyer/Ad Marketer thực thụ.
Chạy quảng cáo không đơn giản như bạn nghĩ.
Vậy thì có phải là quá khó?
Thực ra cũng không hẳn thế. Facebook Ads hay bây giờ là Meta Ads thay đổi rất nhiều. Dùng từ chính xác hơn là tiến hóa. Tiến hóa theo chiều hướng của công nghệ, của sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng hiện đại, của sự cạnh tranh giữa các thương hiệu, của chính bản thân người dùng Facebook/Instagram, trước áp lực của các nền tảng quảng cáo khác như Google, TikTok, Pinterest… Tuy vậy, dù cho có bất cứ sự thay đổi này thì bản chất vẫn có những thứ là bất di bất dịch. Hay nói cách khác, vẫn luôn có những kim chỉ nam chạy quảng cáo mà áp dụng được xuyên thời gian — ai nắm vững chúng, cộng với sự nhạy bén trước các cập nhật của Meta Ads thì sẽ làm chủ được hiệu quả chiến dịch.
Dưới đây là vài “kim chỉ nam" nhỏ cho bạn.
1. Target đúng người quyết định kết quả
Để mình làm rõ cho bạn.
Khi bạn chạy quảng cáo, cho dù là bạn tự thiết lập đối tượng mục tiêu hay để thuật toán tự quyết định thì nguyên tắc không bao giờ sai đó là phải target được đúng người thì mới tạo ra được chuyển đổi. Nhắm không đúng người thì dù có hiển thị ad trước mắt họ hàng chục lần thì họ vẫn sẽ chẳng hành động.
Hiển nhiên, không có bất cứ một thiết lập quảng cáo nào giúp bạn ăn chắc 100% là mình đang target được đúng những người mà muốn mua sản phẩm của bạn. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn mới chạy quảng cáo, mới mở website và đang bắt đầu tìm khách hàng, chưa có tệp khách hàng cũ, website visit ít…
Để đảm bảo target đúng người, bạn buộc phải “master" ở phần viết copy quảng cáo, tạo hình ảnh/video quảng cáo (ad creative) và thực hiện các thiết lập quảng cáo đúng đắn. Khi bạn hiểu rõ sản phẩm của mình có lợi ích gì, cho ai, và tạo ra được các creative mà làm rõ được những ưu thế đó cũng như gây được sự chú ý thì thuật toán Meta sẽ hiểu được sản phẩm của bạn là gì và đưa nó đến với những người phù hợp.
Những quảng cáo chất lượng luôn chiến thắng.
2. Test, test và test
Đúng vậy. Test, test nữa, test mãi.
Người chạy quảng cáo cần phải luôn giữ mindset “always test". Lý do bởi vì Meta Ads luôn có các cập nhật và thuật toán của nó cũng thay đổi không ngừng, không có gì là chắc chắn quyết định việc tại sao ad này lại đưa đơn về mà ad kia không. Rất khó để xác định 100% vì quá nhiều biến tác động vào, từ bản thân platform đến người dùng đến landing page đến hoàn cảnh kinh tế.
Người chạy quảng cáo chỉ còn cách là đưa ra các giả thuyết, phán đoán và thử nghiệm. Chỉ có thử và sai thì mới xác định được đâu chính là yếu tố giúp tạo chuyển đổi. Thử nhiều, hiểu nhiều, tự tin lên nhiều.
Những ai mà bảo thủ, không chịu test, hoặc chỉ chạy một lần rồi cứ khăng khăng làm thế mới đúng, hay suốt ngày chỉ lên LinkedIn/Facebook/YouTube nghe người này người kia bảo sao làm vậy mà không có sự tò mò bắt tay vào test và nhìn tận mắt kết quả… thì mình dám chắc với bạn không thể đứng vững trong thế giới quảng cáo.
Mình đã nói nhiều lần và sẽ nói mãi nữa: In marketing, it all depends.
3. Các chiêu trò chạy quảng cáo không đúng đắn không bao giờ là lâu dài
Đừng bao giờ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà bất chấp tất cả. Đừng thấy trên YouTube hay đâu đó ai chia sẻ chiêu này chiêu kia “trick" được thuật toán của Facebook kiếm được vài chục/vài trăm… sale là hay. Không sớm thì muộn, Meta cũng sẽ phát hiện ra và lúc đó tài khoản của bạn sẽ bị khóa hoặc thậm chí cấm chạy quảng cáo vĩnh viễn.
Đừng bao giờ tự tạo danh sách khách hàng giả rồi upload lên Facebook và dùng như custom audience.
Đừng bao giờ cố chạy quảng cáo những thứ mà Facebook đã cho vào danh sách cấm (prohibit).
Đừng bao giờ sử dụng những hình ảnh hay từ ngữ quảng cáo phản cảm, khiêu khích, đánh vào tâm lý con người một cách thái quá.
Đừng phá vỡ các quy tắc khi các quy tắc đó được gắn nhãn “cấm vi phạm.”
Làm vậy không đáng đâu.
4. Đơn giản hóa việc đo lường
Cái này quan trọng không kém nha. Mình biết nhiều người chạy quảng cáo Facebook, kể cả chuyên gia, có xu hướng làm phức tạp hóa mọi thứ lên. Đặc biệt khi bàn đến đo lường hiệu quả quảng cáo, toàn sử dụng các thuật ngữ, chỉ số trên mây, công thức rối rắm, giải thích phức tạp. Mà có khi nói một hồi xong còn không hiểu là chúng có ý nghĩa thực tế như thế nào.
Mình khuyến khích các bạn tập trung vào sự đơn giản. Nếu business của bạn nhỏ và mới chạy, đừng quan tâm tới quá nhiều metric. Hãy nghĩ tới ba cái cơ bản nhất đó là số lượt click qua quảng cáo, bao nhiêu sale, và chi phí phải bỏ ra cho từng sale là bao nhiêu. Khi đã mở rộng hơn thì mới bắt đầu cân nhắc các metric khác.
5. Meta Ads không ngừng thay đổi
Đúng vậy. Meta Ads không ngừng thay đổi. Đây là điều bất di bất dịch.
Trong các bài viết tiếp theo, mình sẽ dần giúp bạn hiểu hơn về chạy quảng cáo Meta Ads và đi sâu vào nhiều topic khác nhau. Hy vọng với series mới này sẽ có ích cho bạn nhiều. Đừng quên subscribe để không bỏ lỡ bất cứ bài viết nào nhé.
Stay tuned!